Cam là một trong những cây ăn quả có múi, mang lại giá trị kinh tế cao và đang dần khẳng định vị thế trong sản xuất nông nghiệp. Sau gần 4 năm triển khai, mô hình trồng thâm canh cam đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị triển khai được đánh giá là một hướng đi mới, đầy triển vọng.
Trồng cam áp dụng tưới nhỏ giọt cho thu nhập 100 triệu đồng/vụ
Đây là mô hình cam trồng mới áp dụng tưới nhỏ giọt tại thôn Cam phú, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ với quy mô 1,2 ha. Các giống cam đưa vào mô hình đó là cam Xã Đoài lòng vàng và cam V2 chín muộn. Trong quá trình triển khai mô hình, đã áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học vào vườn cam, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để xây dựng vườn cam sạch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần phát triển cây cam theo hướng an toàn, bền vững.
Hiện nay sau 4 năm triển khai vườn cam của gia đình chị Hoàng Thị Mỹ Châu thôn Cam Phú, xã Cam Thành đã cho thu hoạch lứa đầu, quả to ngọt, mọng nước, đã mang về nguồn thu cho gia đình chị 100 triệu đồng.
Chị Hoàng Thị Mỹ Châu, thôn Cam Phú xã Canh Thành, Cam Lộ
Mỗi lần đi ra vườn nếu phát hiện sâu bệnh thì kỷ thuật bên chỗ trung tâm lên người ta hướng dẫn cho xữ lý thuốc sinh học, tưới thì phải tưới thường xuyên, tưới thường xuyên vào mùa hè, phân bón thì 1 năm bón 2 lần. sau quá trình trồng và chăm sóc thì năm này là năm thứ 4 cho ra bói, dự tính được 5 tấn, giá tọa vườn thì 20.000 đồng trên/1kg.
Mô hình thuộc chương trình Khuyến nông Trung ương, nằm trong chuỗi dự án “Xây dựng mô hình và chuyển giao quy trình sản xuất cam, bưởi an toàn gắn với chuỗi giá trị tại các tỉnh miền Trung”.
Với việc triển khai áp dụng quy trình trồng thâm canh cam theo hướng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đã giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hạn chế ô nhiễm môi trường đã nâng cao nhận thức cho người dân trong việc trồng thâm canh cây cam nói riêng và cây có múi nói chung, giúp cho người dân nắm được các quy trình trồng, chăm sóc cam.
Định hướng trong thời gian sắp tới, được sự chỉ đạo của trung tâm Khuyến nông tỉnh, trạm Khuyến nông huyện Cam Lộ sẽ có kế hoạch tuyên truyền vận động nhân rộng mô hình trên địa bàn xã Cam Thành nói riêng và huyện Cam Lộ nói chung để giúp bà con nông dân nắm được quy trình kỷ thuật, áp dụng vào quá trình chăm sóc và trồng để đạt được hiệu quả tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Từ mô hình này đã góp phần thay đổi nhận thức, tập quán từ sản xuất của nông dân từ quảng canh sang sản xuất thâm canh áp dụng theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mô hình là nơi để bà con nông dân trong vùng đến tham quan, học tập và nhân rộng.