'Dĩ bất biến, ứng vạn biến' khi Mỹ công bố mức thuế 46% với Việt Nam
Thứ Sáu 04/04/2025 , 16:22 (GMT+7)
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, Mỹ áp thuế Việt Nam 46% sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nông sản Việt Nam, nhưng ngành nông nghiệp sẽ 'dĩ bất biến ứng vạn biến'.
“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” khi Mỹ công bố mức thuế 46% với Việt Nam
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố mức thuế nhập khẩu với hàng loạt nền kinh tế, trong đó, Việt Nam là 46%. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nông sản của Việt Nam. Trong đó có lĩnh vực thủy sản với 2 ngành hàng chủ lực là cá tra và tôm.
Tính riêng năm 2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với giá trị đạt 4,16 tỷ USD, chiếm 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ năm 2025 có thể đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 10-12% so với năm trước. Với mức thuế 46%, hàng thủy sản Việt Nam vào Mỹ có thể phải chịu thêm số tiền là 0,92 tỷ USD trong năm 2025.
Ông PHÙNG ĐỨC TIẾN
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Phải mổ xẻ cặn kẽ để Mỹ vẫn phải công nhận tương đương của chúng ta về cá tra. Còn con tôm, 2 năm kiểm tra về an toàn thực phẩm ta vẫn đảm bảo được, thứ nữa là các lô hàng xuất đi ví dụ kim loại nặng, vi sinh vật… hạn chế đến mức tối thiểu nhất để duy trì chất lượng và giá trị. Đương nhiên trong quá trình áp thuế chúng ta vẫn tiếp tục phải có ý kiến với các cơ quan quản lý nhà nước của Mỹ. Vì, họ đang là đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.
Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản đạt 62,5 tỷ USD. Trong đó, Mỹ và Trung Quốc là 2 thị trường lớn nhất của Việt Nam, với thị phần lần lượt là 21,7% và 21,6%. Các thị trường này đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là xuất khẩu sang Mỹ, với mức tăng lên đến 24,6%.
Ông PHÙNG ĐỨC TIẾN
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Khi nông sản ta vào thị trường Mỹ có rất nhiều rào cản như: chống bán phá giá, tương đương… nhưng Việt Nam vẫn vượt qua được. Với mức thuế mà Mỹ vừa đưa ra thì nông sản của Việt Nam sẽ ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, dĩ bất biến ứng vạn biến, chúng ta phải tập trung cho chỉ đạo sản xuất, để làm sao nâng cao năng suất, chất lượng nhưng giá thành hạ để ta cạnh tranh với thị trường khác và chúng ta chịu được.
Với vai trò là một trong những thị trường quan trọng nhất, Mỹ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Do đó, việc tăng thuế sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, gây áp lực lên chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân. Để thích ứng với bối cảnh này, ngành nông nghiệp của Việt Nam cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, cải thiện chất lượng và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản, từ đó đảm bảo vị thế trên thị trường quốc tế.