Nhiều cơ sở chăn nuôi tại Đồng Nai bị phạt vì vi phạm về môi trường
Thứ Năm 03/04/2025 , 18:50 (GMT+7)
Nhiều cơ sở chăn nuôi tại Đồng Nai bị phạt vì vi phạm về môi trường; Hành tím Trà Vinh được bảo hộ nhãn hiệu; Nhiều vườn sầu riêng bị ngập do vỡ ao cá; Giống lúa thuần BĐR57 cho năng suất 74 tạ/ha.
Tin1:
NHIỀU CƠ SỞ CHĂN NUÔI TẠI ĐỒNG NAI BỊ PHẠT VÌ VI PHẠM VỀ MÔI TRƯỜNG
Minh Sáng thực hiện
Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đang siết chặt công tác thanh, kiểm tra các hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến môi trường. Qua đó, phát hiện nhiều cơ sở chăn nuôi, doanh nghiệp vi phạm các biện pháp bảo vệ môi trường. Cụ thể, từ đầu năm 2025 đến nay đã có 25 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với mức phạt lên đến hàng trăm triệu đồng. Thực trạng khiến nhiều cơ sở chăn nuôi, doanh nghiệp tại Đồng Nai liên tục bị phạt về vi phạm môi trường được cho rằng, do không tuân thủ quy định về giấy phép môi trường; vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, không đạt tiêu chuẩn, dẫn đến việc ô nhiễm không khí, nước, đất. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân chính có thể do mức phạt nhẹ không đủ gây sức ép mạnh đến các cơ sở, doanh nghiệp; thậm chí không ít doanh nghiệp chấp nhận phạt để tiếp tục hoạt động mà không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ môi trường; đồng thời vẫn còn những bất cập trong công tác giám sát và xử lý vi phạm. Do đó, ngoài việc cần phải nâng cao mức xử phạt, đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đầu tư công nghệ, cải thiện nhận thức và tăng cường giám sát để bảo vệ môi trường bền vững hơn.
tin 2: HÀNH TÍM TRÀ VINH ĐƯỢC BẢO HỘ NHÃN HIỆU
Hồ Thảo thực hiện
Hành tím Trà Vinh được trồng trên vùng đất giồng cát ven biển huyện Duyên Hải. Nhờ khí hậu đặc trưng với nắng gió, hơi mặn từ biển và sự khô hạn của đất, củ hành tím nơi đây hấp thụ tinh túy từ thiên nhiên, tạo nên chất lượng vượt trội. Vỏ hành mỏng có màu tím đậm, hương vị cay nồng đặc trưng, phù hợp cho nhiều mục đích chế biến và ẩm thực.
Tuy nhiên, hiện nay hành tím Trà Vinh vẫn chưa có thương hiệu và nhãn hiệu bảo hộ pháp lý, khiến người tiêu dùng khó nhận diện nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của nông dân.
Trước thực trạng đó, Sở Khoa học và Công nghệ Trà Vinh đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ khoa học đăng ký bảo hộ, quản lý và quảng bá thương hiệu “Hành tím Duyên Hải – Trà Vinh”. Để đạt chứng nhận thương hiệu, quy trình sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu chọn giống, chăm sóc theo phương pháp canh tác bền vững đến kiểm tra chất lượng trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Việc bảo hộ thương hiệu không chỉ giúp khẳng định chất lượng mà còn tạo niềm tin cho người tiêu dùng và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Tin 3: NHIỀU VƯỜN SẦU RIÊNG BỊ NGẬP DO VỠ AO CÁ
Minh Đảm thực hiện
Khoảng 3h chiều ngày 2/4, một đoạn đê bao dài khoảng 8 mét thuộc một ao nuôi cá của Công ty cổ phần Gò Đàng (tại ấp Thủy Tây, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) bị xói lở gây ngập cục bộ ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của gần 10 hộ dân.
Theo UBND xã Ngũ Hiệp đê bao ao cá của doanh nghiệp bị vỡ do mới đặt ống bọng sử dụng đất đắp xung quanh và bề mặt nên khi nước triều dâng cao bị vỡ. Chính quyền địa phương đang xác minh mức độ ảnh hưởng và thống kê thiệt hại do nước tràn để báo cáo về cấp trên. Bước đầu xác định có khoảng 8 hộ dân bị ảnh hưởng do sự cố sạt lở này.
Sáng nay, Công ty Gò Đàng đã điều động phương tiện, nhân lực đến khắc phục điểm sạt lở nói trên. Dự kiến điểm sạt lở này sẽ được khắc phục trong hôm nay.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên báo Nông nghiệp và môi trường, hiện các vườn cây của người dân vẫn bị ngập úng, khả năng gây thiệt hại cao do nhiều cây đang thời kỳ kết trái.
Tin 4: GIỐNG LÚA THUẦN BĐR57 CHO NĂNG SUẤT 74 TẠ/HA
Vũ Đình Thung thực hiện
Vừa qua, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định tổ chức hội thảo tổng kết mô hình “Thâm canh giống lúa chất lượng theo hướng an toàn gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm”. Theo đó, giống lúa thuần BĐR57 do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ phát triển đã được trồng thực nghiệm với quy mô 7 ha tại phường Hoài Xuân, thị xã Hoài Nhơn. Qua báo cáo mô hình và tham quan thực tế ở ruộng lúa cho thấy, thời gian sinh trưởng của giống trong vụ Đông Xuân từ 110-115 ngày, giống có khả năng thích nghi rộng với năng suất ước đạt hơn 74 tạ/ha, cao hơn 2,6 tạ/ha so với ruộng ngoài mô hình, chất lượng gạo ngon, phù hợp nhu cầu sản xuất hàng hóa. 84 hộ nông dân tham gia mô hình đều hài lòng với khả năng chống chịu của giống lúa trong vụ, cho năng suất cao… Qua đó, nông dân tại đây cũng kiến nghị các cấp chính quyền tiếp tục cho sản xuất thêm ở các vụ tiếp theo và đưa vào cơ cấu giống để thay thế một số giống đã thoái hóa tại địa phương.