Cua, ghẹ và nhuyễn thể đóng góp lớn cho xuất khẩu thủy sản đầu năm
Thứ Tư 02/04/2025 , 18:53 (GMT+7)
Cua, ghẹ và nhuyễn thể đóng góp lớn cho xuất khẩu thủy sản đầu năm. Sử dụng chế phẩm sinh học giúp nâng cao năng suất, chất lượng lúa. Cuộc thi 'Đan Mạch trong mắt em' thu hút hơn 24.600 tác phẩm. Vĩnh Long: Một vườn cò tan hoang vì đạn chì.
Quý I năm nay, xuất khẩu thủy sản phục hồi ấn tượng với kim ngạch đạt 2,45 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng tháng 3/2025, giá trị xuất khẩu đạt gần 889 triệu USD, tăng gần 20%, cho thấy đà tăng trưởng vẫn được duy trì dù có dấu hiệu chững lại so với hai tháng đầu năm.
Một điểm sáng đáng chú ý là sự bứt phá của nhóm cua, ghẹ và nhuyễn thể có vỏ. Cụ thể cua, ghẹ đạt kim ngạch 86,4 triệu USD trong quý I, tăng 66%, nhờ nhu cầu tăng vọt từ Trung Quốc trong dịp Tết. Nhuyễn thể có vỏ gồm nghêu, sò, hàu thậm chí còn gây ấn tượng hơn với mức tăng 115%, đạt 64,9 triệu USD. Dù giá trị tuyệt đối chưa cao, tốc độ tăng trưởng này cho thấy tiềm năng lớn của các nhóm sản phẩm này trong việc đa dạng hóa cơ cấu xuất khẩu.
SỬ DỤNG CHẾ PHẨM SINH HỌC GIÚP NÂNG CAO NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG LÚA
Văn Vũ
Hôm nay, ngày 2/4, tại Trại Nghiên cứu và Dịch vụ nông nghiệp Đồng Tháp Mười, xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An phối hợp với Công ty Cổ phần Hữu cơ sinh học Phương Đông tổ chức Hội “Ứng dụng chế phẩm sinh học trong canh tác lúa”. Tại hội thảo, các chuyên gia đã hướng dẫn bà con nông dân quy trình sử dụng chế phẩm sinh học, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm về canh tác lúa hiệu quả và được người dân nhiệt tình hưởng ứng.
Theo Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An, qua thời gian triển khai mô hình ứng chế phẩm vi sinh trong vụ đông xuân 2024-2025 với diện tích 12ha tại xã Kiến Bình đã giúp người dân giảm được chi phí sản xuất, giảm sử dụng phân bón hóa học, nâng cao năng suất và chất lượng lúa, đồng thời bảo vệ môi trường, cải tạo đất và hạ phèn. Ngoài ra, chế phẩm sinh học giúp cải thiện độ phì nhiêu của đất, tăng sức đề kháng cho cây lúa trước sâu bệnh. Mô hình được kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho sản xuất lúa an toàn, giảm phát thải hiệu quả cho ngành sản xuất lúa gạo của tỉnh và được nhân rộng sản xuất trong thời gian tới.
CUỘC THI “ĐAN MẠCH TRONG MẮT EM” THU HÚT HƠN 24.600 TÁC PHẨM
Thực hiện: Viết Dũng
Cũng trong ngày Hôm nay Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt Nam - Đan Mạch tổ chức lễ trao giải Cuộc thi “Đan Mạch trong mắt em - Những sáng kiến xanh”
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nicolai Prytz - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho biết: “Giới trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng xã hội và thúc đẩy các thay đổi tích cực. Tại Việt Nam, thanh thiếu niên có nhiều cơ hội tham gia vào các hoạt động xã hội và tạo ra ảnh hưởng tích cực. Thông qua cuộc thi lần này có thể thấy đam mê mạnh mẽ của giới trẻ Việt Nam trong việc tạo ra một tương lai xanh và bền vững cho tất cả chúng ta”.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ông Lê Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Việt Nam - Đan Mạch, cho rằng, sự tham gia nhiệt tình của các em học sinh không chỉ cho thấy nhận thức sâu sắc về những thách thức môi trường do ô nhiễm và biến đổi khí hậu gây ra, mà còn thắp lên hy vọng về một tương lai xanh, bền vững cho đất nước. Được phát động từ tháng 9/2024, cuộc thi đã thu hút hơn 24.600 tác phẩm dự thi đến từ 260 trường học và câu lạc bộ khắp cả nước. Tại lễ trao giải, các cá nhân và tập thể xuất sắc đã được vinh danh với những ý tưởng sáng tạo, thiết thực.
VĨNH LONG: MỘT VƯỜN CÒ TAN HOANG VÌ ĐẠN CHÌ
Hồ Thảo
Thời gian gần đây, người dân sống quanh khu vườn cò tự nhiên tại ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long liên tục phản ánh về tình trạng săn bắt chim cò trái phép. Mỗi ngày, vào sáng sớm và chiều tối, các đối tượng lén lút vào vườn, dùng ná bắn đạn chì hay còn gọi là súng cao su để săn cò. Đạn rơi làm thủng mái nhà, thậm chí có người đã bị trúng đạn, khiến bà con vô cùng lo lắng về sự an toàn của mình.
Theo ông Lê Văn Chìa, chủ vườn cò, nơi đây có 33 loài chim thuộc 20 họ, 12 bộ. Trong đó, có ít nhất 13 cò ốc, 6 chim quắm đen, 130-135 cò ruồi, 80-120 cò trắng, 190-260 chim cốc đen, 600-625 chim vạc... Đặc biệt, đàn cò ốc (cò nhạn) là loài quý hiếm có trong Sách Đỏ Việt Nam cũng tìm đến đây sinh sống, nhưng vì nạn săn bắn đàn cò đã giảm một nửa. Người dân mong chính quyền sớm vào cuộc, có biện pháp ngăn chặn kịp thời để bảo vệ khu vườn và sự bình yên của xóm làng.