Bộ Nông nghiệp Môi trường hủy bỏ 149 quy chuẩn kỹ thuật không còn phù hợp
Thứ Sáu 04/04/2025 , 19:14 (GMT+7)
Bộ Nông nghiệp và Môi trường hủy bỏ 149 quy chuẩn kỹ thuật không còn phù hợp. Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 tạo hành lang pháp lý cho phát triển bền vững. Hậu Giang: Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn và bền vững. Xâm nhập mặn đe dọa vùng lúa - rươi tại Hải Phòng.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường hủy bỏ 149 quy chuẩn kỹ thuật không còn phù hợp.
Đức Việt - Viết Dũng thực hiện
Ngày 4/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chủ trì buổi làm việc với một số hội, hiệp hội ngành hàng nhằm hoàn thiện pháp luật liên quan đến Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Bộ trưởng nhấn mạnh, hai luật này là cơ sở pháp lý quan trọng để đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm. Tuy nhiên, việc yêu cầu chứng nhận, công bố hợp quy đối với nhiều sản phẩm đã được cấp phép lưu hành gây tốn kém chi phí, thủ tục, trong khi chất lượng không thay đổi. Do đó, cần điều chỉnh để tránh đánh giá trùng lặp, đồng bộ với Luật An toàn thực phẩm, Luật Thú y, Luật Chăn nuôi.
Hiện Bộ đã rà soát và hủy bỏ 149 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, chiếm gần 60% tổng số hiện hành. Năm 2025, sẽ tiếp tục sửa đổi hoặc bãi bỏ thêm 59 quy chuẩn không còn phù hợp. Bộ cũng sẽ rà soát danh mục hàng hóa nhóm 2, chỉ giữ lại các sản phẩm có nguy cơ cao nhằm tinh giản quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp.
Tin2: Luật Địa chất và Khoáng sản 2024 tạo hành lang pháp lý cho phát triển bền vững
Đức Cường thực hiện
Chiều 4/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức hội thảo chính sách pháp luật về địa chất, khoáng sản, với sự tham dự của Thứ trưởng Trần Quý Kiên, lãnh đạo tỉnh và đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp khu vực phía Nam.
Tại hội thảo, ông Mai Thế Toản – Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam – cho biết, Luật Địa chất và Khoáng sản số 54/2024 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2024, có hiệu lực từ 1/7/2025, riêng chính sách về khai thác khoáng sản nhóm IV áp dụng từ 15/1/2025. Cục đã phổ biến các nội dung chính của luật và Thông tư 01/2025 của Bộ TN&MT về khai thác nhóm khoáng sản này.
Các đại biểu đánh giá luật mới góp phần nâng cao hiệu lực quản lý tài nguyên, khắc phục bất cập trong Luật Khoáng sản 2010, hướng tới phát triển bền vững. Tại BR-VT, công tác quản lý khoáng sản được thực hiện nghiêm túc, không xảy ra khai thác trái phép. Tỉnh hiện có 44 khu vực khai thác với hơn 272 triệu m³ khoáng sản xây dựng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tin 3: Hậu Giang phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn và bền vững
Văn Vũ thực hiện
Hiện nay, toàn tỉnh Hậu Giang có trên toàn tỉnh Hậu Giang có trên 31.000 hộ chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ. Trước diễn biến phức tạp của các loại dịch bệnh như cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tả heo châu Phi... ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm các quy trình an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Các biện pháp như: vệ sinh tiêu độc khử trùng định kỳ, xây dựng chuồng trại kín, có hệ thống xử lý chất thải, sử dụng thức ăn đảm bảo nguồn gốc, và đặc biệt là tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi... đang được triển khai rộng khắp.
Bên cạnh đó, các mô hình chăn nuôi theo hướng VietGAP, hữu cơ cũng được khuyến khích và nhân rộng, từng bước nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn. Việc đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học không chỉ giúp người dân giảm rủi ro dịch bệnh, tăng thu nhập mà còn góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh – sạch – bền vững mà tỉnh Hậu Giang đang hướng tới.
Tin 4: Xâm nhập mặn đe dọa vùng lúa - rươi tại Hải Phòng
Đinh Mười thực hiện
Trên địa bàn TP. Hải Phòng hiện có gần 2.000 ha đất ngoài đê thuộc các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão… được người dân canh tác mô hình lúa - rươi. Đây là mô hình kết hợp giữa trồng lúa và nuôi rươi tự nhiên, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân vừa thu hoạch được gạo đặc sản, được thị trường ưa chuộng với giá bán cao, vừa khai thác nguồn lợi từ rươi. Theo người dân, hiệu quả kinh tế của mô hình này cao gấp 15 – 20 lần so với sản xuất lúa đơn thuần.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng xâm nhập mặn tại Hải Phòng ngày càng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ diện tích lúa - rươi ngoài đê. Tại xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy – một trong những vùng trồng lúa - rươi trọng điểm, nhiều diện tích lúa bị chết, đất nứt nẻ, người dân buộc phải bỏ hoang ruộng hoặc dừng canh tác do không đảm bảo điều kiện sản xuất.
Nguyên nhân của hiện tượng xâm nhập mặn ngoài tác động từ biến đổi khí hậu còn xuất phát từ việc khai thác cát quá mức trên các dòng sông, khiến mực nước hạ thấp, tạo điều kiện cho nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền. Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời, mô hình canh tác lúa - rươi có nguy cơ bị ảnh hưởng lâu dài, đe dọa sinh kế của hàng trăm hộ dân.