Vụ lúa xuân năm 2025 bệnh đạo ôn lá xuất hiện sớm và có dấu hiệu lan rộng. Tỉnh Hà Tĩnh đã khuyến cáo bà con chủ động phun phòng diện hẹp, nhất là ở các địa phương ‘rốn’ đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông như huyện Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên.
Khoảng 2 tuần nay thời tiết tại xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ nói riêng, tỉnh Hà Tĩnh nói chung âm u, sáng và đêm có mưa phùn nhẹ, độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá phát sinh, gây hại trên lúa Xuân năm 2025. Theo báo cáo, đã có hơn 3ha/900 ha lúa của xã nhiễm bệnh, tỷ lệ gây hại trung bình từ 3 - 5%. Ngay sau khi phát hiện cây trồng bị nhiễm đạo ôn, bà con nông dân cấp tốc xuống đồng phun thuốc trừ bệnh. Tuy nhiên, do thời tiết sương mù nhiều và có mưa nên hiệu lực, hiệu quả của việc phun thuốc bao vây diện hẹp gặp nhiều khó khăn, các vết bệnh cấp tính xuất hiện nhiều, nguy cơ lây lan và cháy chòm rất cao.
PV Chị Trần Thị Lý, Thôn Trung Khánh, xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ: Ruộng tôi bị đạo ôn 1 tuần rồi, cũng sử dụng thuốc rồi nhưng chưa được hiệu quả lắm. Hôm nay cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn phun đợt 2 nên cũng hi vọng tạm ổn.
Vụ Xuân 2025, huyện Đức Thọ gieo cấy hơn 4.600 ha lúa. Hiện các trà lúa trên địa bàn sinh trưởng, phát triển tốt và đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ, một số diện tích gieo cấy sớm bước sang giai đoạn đứng cái - phân đốt. Tuy nhiên bệnh đạo ôn lá phát sinh vết cấp tính ở trên giống P6, Thái Xuyên 111, Khang dân 18, VNR20 với tỷ lệ rải rác, nơi cao 7 – 15% ở xã Bùi La Nhân, Lâm Trung Thủy, Trường Sơn, Tân Dân, Yên Hồ...
Để chủ động phòng trừ hiệu quả bệnh đạo ôn lá cũng như một số đối tượng sâu bệnh khác, cán bộ kỹ thuật của huyện thường xuyên bám sát cơ sở, đồng ruộng để khuyến cáo người dân phòng trừ kịp thời, đạt hiệu quả cao nhất.
PV Kỹ Sư Phan Thị Thanh Hiền, Trung Tâm ƯDKHKT&BVCTVN huyện Đức Thọ: Đến hiện tại có một số diện tích lụi ổ. Đối với diện tích bệnh nhẹ tranh thủ thời tiết khô ráo phun phòng, bệnh nặng phun phòng đợt 2 cách đợt 1 từ 5 – 7 ngày. Những nơi cháy lụi ổ thì bứt cây, rồi đốt để hạn chế lây lan, sau đó phun phòng bằng thuốc đặc hiệu.
Dự báo thời gian tới, thời tiết vẫn tiếp tục âm u, ẩm độ cao trùng thời điểm cây lúa phát triển mạnh về thân lá, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để bệnh đạo ôn phát sinh, lan rộng. Trước tình hình đó, cán bộ chuyên môn cần hướng dẫn người dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nhất là trên các giống nhiễm đạo ôn, vùng thấp trũng, đất cát, thịt nhẹ, gieo cấy dày, bón thúc đạm sớm, bón thừa đạm… để phát hiện bệnh, hướng dẫn người dân phun phòng khi bệnh mới phát sinh.
Việc phun phòng phải đảm bảo nguyên tắc 4 đúng. Ngoài các biện pháp trên, bà con cần chăm sóc, bón phân cân đối, tăng cường bón kali. Những ruộng đã nhiễm bệnh đạo ôn lá, sau phun thuốc khi bệnh ngừng phát triển mới được bón phân và luôn giữ đủ nước trong ruộng.