Những chính sách hỗ trợ thiết thực từ khâu làm đất, giống, phân bón, thu mua…đã tạo nên mối liên kết bền vững giữa bà con trồng mía tại Sơn La với doanh nghiệp.
Trồng mía thu nhập 60 triệu đồng/ha, nông dân không phải nghĩ đầu ra
Chính sách hỗ trợ thiết thực từ khâu làm đất, giống, phân bón, thu mua…đã tạo nên mối liên kết bền vững giữa bà con trồng mía tại Sơn La với doanh nghiệp.
Những ngày này, trên khắp các ruộng mía tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, bà con đều đang tất bật thu hoạch để kịp cung ứng cho nhà máy mía đường đóng trên địa bàn. Đối với người dân nơi đây, cây mía đã trở thành người bạn thân thiết, giúp họ vươn lên làm giàu trên chính những sườn đồi mà trước đây chỉ có ngô với sắn mới có thể sống được. Bà con cho biết, mỗi vụ mía có thể cho thu nhập 50 đến 60 triệu đồng/ha và không bao giờ phải suy nghĩ tới đầu ra.
Chị NGUYỄN THỊ QUYÊN - Xã Nà Bó, huyện Mai Sơn, Sơn La
Mình liên kết với công ty mía đường thì được bao tiêu đầu ra. Các hộ trồng mía thì công ty hỗ trợ phân, giống đến lúc thu sản phẩm mới trả. Nếu so với cây ăn quả thì mình thấy cây mía vẫn là được.
Để tạo nên chuỗi liên kết chặt chẽ và bền vững với người dân, hàng năm, đơn vị thu mua, chế biến đều công bố chính sách hỗ trợ, giá thu mua tối thiểu trước khi người dân xuống giống để khi đồng ý ký kết hợp đồng liên kết, các hộ dân yên tâm sản xuất. Niên vụ 2023-2024 công ty mía đường Sơn La đang thu mua mía xô với giá 1.030 đồng/kg. Bên cạnh đó, đơn vị này còn có những hỗ trợ hết sức cụ thể đối với các hộ dân.
Ông NGUYỄN VĂN TÀI - Giám đốc nhà máy chế biến, Công ty cổ phần mía đường Sơn La
1 ha trồng mới được công ty hỗ trợ 10 triệu không hoàn lại, 2 tấn phân bón lót không hoàn lại. Đó là những chính sách thiết thực để thúc đẩy bà con trồng cây mía. Từ những chính sách đó thì các vùng nguyên liệu của chúng tôi đã giữ được ổn định diện tích và chất lượng.
Những năm qua, công ty mía đường Sơn La còn áp dụng chính sách bảo hiểm giá mía áp dụng trong trường hợp khi xảy ra thiên tai bất ngờ như hỏa hoạn, bão lũ…làm chất lượng cây mía bị giảm sút. Đối với chính sách này, trong vòng 24h sau khi xảy ra sự cố công ty vẫn sẽ thu mua mía với giá ban đầu để giảm thiệt hại cho người dân. Nhờ cách làm này, từ chỗ đứng trước nguy cơ giảm sút vùng nguyên liệu. Đến niên vụ 2023-2024 vùng nguyên liệu mía của đơn vị này đã tăng lên hơn 9.000 ha trải dài trên địa bàn các huyện Mai Sơn, Yên Châu, Bắc Yên, Mường La. Theo kế hoạch, niên vụ tiếp theo sẽ tiếp tục mở rộng lên 9.500 ha, từng bước khẳng định vị thế của cây mía trên mảnh đất Tây Bắc./.