Để phát triển bền vững, ngành chăn nuôi, thú y cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là khâu an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học.
Tuân thủ tuyệt đối an toàn dịch bệnh, bảo vệ thành quả ngành chăn nuôi
Để phát triển bền vững, ngành chăn nuôi, thú y cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là khâu an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học.
Theo Bộ NN-PTNT, 8 tháng đầu năm nay, ngành chăn nuôi, thú y đối diện nhiều khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi, giá xăng, dầu tăng cao và một số dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp.
Dù vậy, ngành chăn nuôi, thú y vẫn phát triển và đạt được kết quả khả quan. Theo thống kê, các sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu tăng mạnh với thặng dư thương mại 8 tháng tăng 94% so với cùng kỳ 2021.
Tại Hội nghị Phát triển chăn nuôi các tháng cuối năm 2022 và thúc đẩy đầu tư phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị tổ chưc tại Lâm Đồng cuối tuần qua, Bộ NN-PTNT đã đưa ra các giải pháp đối với các địa phương, đồng thời lên kế hoạch hành động, đặc biệt trong việc đẩy mạnh chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học trong những tháng cuối năm.
Phỏng vấn: Ông PHÙNG ĐỨC TIẾN
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT
Như chúng ta biết, chăn nuôi mà giải pháp quan trọng đầu tiên là phòng chống dịch bệnh. Phòng chống dịch bệnh dù có vacxin, dù có kháng sinh, dù có chế phẩm sinh học thì cái an toàn sinh học có vai trò quan trọng. Và đây là nền tảng cho phát triển chăn nuôi trong tất cả các giai đoạn. Đặc biệt là chúng ta tiếp cận theo hướng đảm bảo sức khỏe rất văn minh. Hệ sinh thái con người, động vật được giải quyết một cách đồng bộ. Trên nền tảng toàn bộ những tiếp cận đấy thì chúng ta có một ngành chăn nuôi, kể cả nuôi trồng thủy sản an toàn, đảm bảo được cả tiêu chí bệnh tật và đảm bảo được tiêu chí an toàn thực phẩm.
Theo kế hoạch của ngành chăn nuôi, thú y, năm 2022 sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng 5-6% so với 2021. Sản lượng thịt các loại ước đạt 6,98 triệu tấn.
Trong năm 2023, tiếp tục tăng giá trị sản xuất từ 5,5-6% so với năm 2022. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt khoảng 7-7,5 triệu tấn, sản lượng trứng các loại khoảng 19 tỷ quả và 1,25 triệu tấn sữa, 60 nghìn tấn mật ong.
Để đạt được kết quả trên, Bộ NN-PTNT yêu cầu ngành chăn nuôi phải thực hiện các biện pháp để đảm an toàn dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và thực hiện tốt các đề án.
Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi, thú y cũng cần tập trung giải quyết vấn đề về giống, thú y, chủ động một phần thức ăn chăn nuôi và cải thiện môi trường.
Đặc biệt, cần có kế hoạch, chiến lược thu hút đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến với các giải pháp đồng bộ kết hợp với xúc tiến thương mại và phát triển thị trường.