Chè xanh chứa nhiều chất dinh dưỡng như polyphenol, polysacarit, saponin... sẽ giúp tăng khả năng sinh trưởng, chất lượng thịt.
Thái Nguyên: Vỗ béo lợn đen bản địa bằng bột chè xanh
Với mong muốn phát triển một sản phẩm chăn nuôi mang thương hiệu của ngành nông nghiệp địa phương, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai Đề tài nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên.
Dự án đã được các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Nông Lâm thuộc Đại học Thái Nguyên nghiên cứu, triển khai từ tháng 6/2023, với tổng kinh phí hơn 3,7 tỷ đồng.
Mô hình thí nghiệm trên lợn đen bản địa tại các hộ chăn nuôi xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên. Với tổng 72 con lợn, nhóm nghiên cứu đã triển khai xây dựng mỗi hộ 4 ô thí nghiệm, mỗi ô 9 con lợn. Thức ăn cho lợn đều là thực phẩm tự nhiên gồm: cám gạo, cám ngô, đậu tương, vitamin tổng hợp… ủ men vi sinh kết hợp với bột chè xanh.
Nhóm nghiên cứu bổ sung bột lá chè xanh trong khẩu phần ăn cho lợn với các mức: 0%, 1%, 3% và 5%.Bột chè xanh được sản xuất từ lá chè từ vùng nguyên liệu hữu cơ rồi sấy khô. Qua đó, đảm bảo các thành phần hóa học trong lá chè không bị phân hủy. Cuối cùng được nghiền nhỏ để bổ sung vào nguyên liệu ủ thức ăn.
Ông NGUYỄN TIẾN ĐẠT
Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên
"Chúng tôi muốn sử dụng thức ăn tự nhiên, có bổ sung bột lá chè xanh giúp hạn chế tối đa kháng sinh sử dụng trong quá trình chăn nuôi"
Lợn thí nghiệm được nuôi theo phương thức chăn nuôi chuồng hở thông thoáng tự nhiên, trên nền đệm lót có bổ sung men vi sinh nên nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ, không phải tắm cho lợn, giảm mùi hôi trong chuồng nuôi.Chè xanh chứa nhiều chất dinh dưỡng bao gồm: Polyphenol, polysacarit, saponin.
Ông PHẠM QUỐC CHÍNH
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên
"Các đơn vị triển khai đề tài đang tích cực phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên trong hoạt động nghiên cứu, quảng bá để ngay sau khi kết thúc quá trình nghiên cứu sẽ thực hiện sản xuất đại trà thông qua việc lựa chọn các doanh nghiệp có tiềm năng"
Tác dụng của chè xanh đối với chăn nuôi lợn thịt ở các tỷ lệ khác nhau sẽ có những tác động khác nhau đến khả năng sinh trưởng, chất lượng thịt. Đặc biệt là Polyphenol trong chè xanh có thể làm giảm tổng lượng mỡ trong cơ thể vật nuôi và làm giảm độ dày trung bình của mỡ lưng.
Việc nhân rộng kết quả của mô hình sẽ góp phần giải quyết vấn đề chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cho địa phương, đưa vật nuôi giá trị cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của địa bàn vào sản xuất.Qua đó, phát huy thế mạnh của Thái Nguyên là tỉnh có diện tích trồng chè lớn nhất cả nước; tạo ra sản phẩm mang thương hiệu lợn chè xanh.