| Hotline: 0983.970.780

Việc quan trọng bây giờ của ngành nông nghiệp là mở cửa thị trường

Thứ Ba 30/05/2023 , 19:25 (GMT+7)

Chiều 30/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị giao ban kết quả công tác chỉ đạo, điều hành tháng 5 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 6/2023.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong thời gian tới công việc quan trọng nhất của ngành nông nghiệp là mở cửa thị trường. Ảnh: Trung Quân.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong thời gian tới công việc quan trọng nhất của ngành nông nghiệp là mở cửa thị trường. Ảnh: Trung Quân.

Trong tháng 5, Bộ NN-PTNT đã tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ chủ yếu như: vấn đề giống cây trồng; chỉ đạo chăm sóc lúa đông xuân 2022-2023 tại các tỉnh phía Bắc, thu hoạch vụ đông xuân 2022-2023 và xuống giống vụ hè thu tại các tỉnh phía Nam; kiểm tra IUU tại các địa phương; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; kiểm tra thực địa một số dự án đầu tư công khu vực Nam Trung bộ; triển khai các biện pháp ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; chuẩn bị các nội dung thúc đẩy thương mại nông sản với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc)...

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ NN-PTNT các lĩnh vực của ngành đã đạt được nhiều kết quả rất khả quan, cụ thể: Trong lĩnh vực trồng trọt, đến trung tuần tháng 5, diện tích thu hoạch lúa cả nước ước đạt 2,5 triệu ha, sản lượng ước trên diện tích thu hoạch hơn 17,4 triệu tấn (tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022).

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong 5 tháng đầu năm diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 85.000 ha, (tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2022). Diện tích rừng trồng được chăm sóc ước đạt 310.000 ha. Diện tích rừng được giao khoán bảo vệ hơn 7,7 triệu ha. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 6,5 triệu m3. Bên cạnh đó, cả nước đã phát hiện hơn 3.600 vụ vi phạm các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, xử lý hơn 2.800 vụ.

Trong lĩnh vực thủy sản, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 3,4 triệu tấn (tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2022). Sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 1,5 triệu tấn (chiếm 46% tổng sản lượng thủy sản).

Về tình hình xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản (NLTS), 5 tháng đầu năm tổng giá trị xuất khẩu NLTS đạt 20,26 tỷ USD (giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022). Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng NLTS lớn nhất của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,4% (tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022); Hoa Kỳ chiếm 19,8% và Nhật Bản chiếm 7,8%.

Về công tác mở cửa thị trường, theo Cục Bảo vệ thực vật, việc đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trái cây sang thị trường Trung Quốc đang diễn ra rất thuận lợi. Cục Bảo vệ thực vật cập nhật liên tục những yêu cầu của phía Trung Quốc để các doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án đáp ứng tốt mọi yêu cầu của phía bạn, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.

Trong công tác xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, theo Cục Thú y, đến hiên tại đã có 34 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu yến (2.977 nhà yến). Trong đó, có 10 doanh nghiệp đã đăng ký thành công qua hệ thống Hải quan một cửa, có 2 doanh nghiệp đã được Cục Thú y ký xác nhận gửi hồ sơ sang Trung Quốc. Thị trường Vương quốc Anh và Hàn Quốc sau khi kiểm tra, đánh giá đã cơ bản đồng ý cho Việt Nam xuất khẩu gà chế biến.

Công tác mở cửa thị trường cho nông sản và sản phẩm chăn nuôi đang được Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y đẩy mạnh. Ảnh: Trung Quân.

Công tác mở cửa thị trường cho nông sản và sản phẩm chăn nuôi đang được Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y đẩy mạnh. Ảnh: Trung Quân.

Về tình hình nhập khẩu, năm 2022 tổng sản lượng thịt nhập khẩu là 456.000 tấn (chiếm 0,7% tổng sản lượng thịt sản xuất trong nước). Từ đầu năm đến nay, cả nước đã nhập khẩu 123.000 tấn thịt.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối diện với nhiều khó khăn nhưng ngành nông nghiệp vẫn đang “vượt khó” thành công. Chỉ số ở các lĩnh vực đã bắt đầu có chiều hướng tăng lên, đây là cơ sở quan trọng để toàn ngành tiếp tục hành động mạnh mẽ trong những tháng còn lại trong năm để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

Theo Bộ trưởng, trong thời gian tới công việc quan trọng nhất của ngành nông nghiệp là mở cửa thị trường. Do đó, các đơn vị thuộc Bộ phải thay đổi phong cách làm việc theo hướng truyền thông tin đi nhanh hơn, để nhận lại thông tin nhanh hơn.

Bên cạnh đó, người đứng đầu mỗi đơn vị phải phát huy vai trò của mình, tham gia ngay từ đầu việc xây dựng chiến lược, định hướng, đề án để nắm vững những nội dung cần triển khai, kịp thời điều chỉnh khi cần thiết, rút ngắn thời gian, nguồn lực, theo kịp với sự thay đổi liên tục của thị trường.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng giao các đơn vị liên quan nhanh chóng hoàn thiện những nội dung liên quan của đề án chuyển đổi số, chiến lược phát triển khoa học công nghệ.

Giao Cục Trồng trọt thống kê lại toàn bộ các ý kiến của các doanh nghiệp giống, chỉ rõ điểm nào đúng, điểm nào chưa đúng, nếu thay đổi thì sẽ thay đổi thế nào để tạo thuận lợi, khuyến khích các đơn vị phát triển hoạt động nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất ra những bộ giống mới, đáp ứng kịp thời nhu cầu của sản xuất.

Xem thêm
Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.