| Hotline: 0983.970.780

Tiếp tục mở đường cho rau quả, thủy sản Việt Nam - Trung Quốc

Thứ Ba 30/05/2023 , 16:27 (GMT+7)

Ngày 30/5, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam làm việc với ông Vương Vị Băng, Cục trưởng Hải quan Nam Ninh để thúc đẩy xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam với Quảng Tây.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT làm việc với Cục Hải quan Nam Ninh, Tổng cục Hải quan Trung Quốc tại Quảng Tây, ngày 30/5. Ảnh: Cao Trần.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT làm việc với Cục Hải quan Nam Ninh, Tổng cục Hải quan Trung Quốc tại Quảng Tây, ngày 30/5. Ảnh: Cao Trần.

Mở đầu, ông Vương Vị Băng, Cục trưởng Hải quan Nam Ninh bày tỏ vui mừng khi được đón tiếp đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu đến thăm Hải quan Nam Ninh. Qua buổi làm việc ông Vương cũng ngỏ lời cảm ơn Bộ NN-PTNT đã không ngừng tăng cường hợp tác với đơn vị của ông trong thời gian qua.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói cũng rất lâu rồi 2 bên mới có điều kiện hội đàm trực tiếp để bàn về các vấn đề liên quan ngành nông nghiệp. Theo Thứ trưởng, Cục Hải quan Nam Ninh là đơn vị đa chức năng, trong đó có những bộ phận đảm nhận nhiệm vụ về kiểm dịch động thực vật, an toàn thực phẩm liên quan rất chặt chẽ đến ngành nông nghiệp.

Đi sâu vào nội dung hội đàm, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề cập đến việc trao đổi nhằm thúc đẩy hợp tác trong giám sát, kiểm tra các sản phẩm nông nghiệp trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, tháng 10/2022, Tổng Bí thư của 2 nước đã gặp nhau với chủ trương tiếp tục đẩy mạnh các quan hệ hợp tác truyền thống trên các lĩnh vực. Đó là cơ sở để ngành nông nghiệp sang gặp chính quyền tỉnh Quảng Tây cũng như Cục Hải quan Nam Ninh, bàn thêm về giải pháp thúc đẩy thương mại nông sản, đặc biệt là sau dịch Covid-19, ảnh hưởng rất nhiều đến chuỗi cung ứng nông sản của 2 nước.

3 đề xuất của Hải quan Nam Ninh

Trong khi đó, ông Vương Vị Băng nhấn mạnh, năm 2023, kỷ niệm 15 năm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Thời gian qua, trao đổi cấp cao giữa 2 bên ngày càng chặt chẽ, tin cậy chính trị lẫn nhau tiếp tục được củng cổ, hợp tác trong các lĩnh vực kinh kế, thương mại phát triển mạnh mẽ và hiệu quả.

Ông Vương khẳng định, Hải quan Nam Ninh đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa 2 bên, trong đó có hợp tác với Bộ NN-PTNT Việt Nam. Đối với thương mại nông sản, vấn đề kiểm dịch và đẩy nhanh quá trình thông quan là vấn đề Hải quan Nam Ninh rất coi trọng.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, trong năm 2022, các cửa khẩu của tỉnh Quảng Tây nhập khẩu nhiều nông sản Việt Nam nhất trong các địa phương có biên giới đường bộ với Việt Nam. Cụ thể, kim ngạch lên đến 5,85 tỷ Nhân dân tệ, tăng 86,4% so với 2021, chiếm 14,5% tổng số nông sản Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc.

“Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, các cửa khẩu của tỉnh Quảng Tây đã nhập khẩu đến 2,49 tỷ Nhân dân tệ các nông sản của Việt Nam, tăng 44,7% so với cùng kỳ 2022, chiếm 19,7% tổng số nông sản nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc”, Cục trưởng Hải quan Nam Ninh cho biết.

Từ những số liệu này, có thể thấy thương mại nông sản giữa Trung Quốc và Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ, trong khi đó Quảng Tây vốn là cửa ngõ nhập khẩu nông sản lớn nhất của Trung Quốc.

Do đang vào mùa cao điểm của các loại trái cây như sầu riêng, xoài nên tình hình thông quan tại các cửa khẩu có dấu hiệu quá tải, vượt quá năng lực của các khu vực cửa khẩu. Tuy nhiên, với những nỗ lực của 2 bên, tình trạng thông quan hàng hóa vẫn được duy trì bình thường.

Mặc dù vậy, để có được kết quả trên, 2 bên đều đã phải tăng cường nhân lực, do đó, ông Vương bày tỏ mong muốn có thể đẩy mạnh hợp tác sâu rộng hơn nữa để nâng cao năng lực thông quan cho các cửa khẩu.

Cục trưởng Hải quan Nam Ninh Vương Vị Băng đưa ra 3 đề xuất với phía Bộ NN-PTNT Việt Nam. Ảnh: Cao Trần.

Cục trưởng Hải quan Nam Ninh Vương Vị Băng đưa ra 3 đề xuất với phía Bộ NN-PTNT Việt Nam. Ảnh: Cao Trần.

Trong bối cảnh đó, Cục trưởng Hải quan Nam Ninh đưa ra 3 đề xuất với Thứ trưởng Trần Thanh Nam. Thứ nhất, đề nghị 2 bên tiếp tục tăng cường giao lưu và thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn, ví dụ như chuyến công tác của Thứ trưởng Trần Thanh Nam đến Quảng Tây lần này.

Thứ hai là, tăng cường nghiên cứu đưa hệ thống cửa khẩu thông minh vào hoạt động thí điểm. Hiện nay, phía Trung Quốc đã đề xuất thiết lập hệ thống Hải quan thông minh còn phía Việt Nam thì cho ra đời hệ thống Cửa khẩu số, rất tương đồng về quan điểm.

Thứ ba là tiếp tục tạo thuận lợi cho thương mại nông sản nói riêng và thúc đẩy phát triển thương mại Việt Nam – Trung Quốc nói chung. “Trong đó, tiềm năng phát triển hợp tác trong thương mại nông sản giữa 2 nước là rất lớn”, ông Vương Vị Băng khẳng định.

Qua các đề xuất này, lãnh đạo Hải quan Nam Ninh hy vọng 2 bên có thể hợp tác sâu rộng hơn, thiết thực hơn trong tương lai.

Mở rộng xuất khẩu rau quả, thủy sản

Ghi nhận ý kiến từ phía Trung Quốc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định thống nhất cao về mặt chủ trương với 3 đề xuất mà ông Vương Vị Băng đưa ra.

Đồng thời, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng nêu ra một số đề nghị của phía Việt Nam để Hải quan Nam Ninh ghi nhận, xem xét. Trong đó, một số cửa khẩu đang quá tải nên Thứ trưởng đề xuất cần có thêm sự trao đổi thông tin giữa các đơn vị ở cửa khẩu để thông quan được thuận lợi hơn.

“Có một số vấn đề chúng ta cần bàn luận trực tiếp, ví dụ như các tiêu chuẩn xuất nhập khẩu hàng nông sản; cơ chế thông quan, cấp mã QR để kiểm soát lượng hàng hóa và thứ ba là các chính sách để 2 bên cùng phối hợp điều hành”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu vấn đề.

Trưởng đoàn phía Việt Nam cho rằng, trong những cơ chế, chính sách hiện nay vẫn còn những kẽ hở mà kẻ xấu có thể lợi dụng. Ví dụ như cấp chứng thư giả hay vấn đề gian dối số lượng, sản lượng hàng hóa.

Ngoài ra, vấn đề ưu tiên thông quan sớm cho một số mặt hàng nông sản cũng được Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh vì nhiều nông sản không thể chờ lâu, ảnh hưởng đến chất lượng.

Hiện nay, lưu lượng hàng hóa của cả 2 nước trao đổi qua khu vực Quảng Tây rất nhiều nên áp lực thông quan là rất lớn. Do đó, để giải quyết kịp thời các vấn đề tại cửa khẩu, Thứ trưởng đề nghị phía Hải quan Nam Ninh thiết lập một đầu mối thông tin để Bộ NN-PTNT và Cục Hải quan Nam Ninh có thể liên lạc dễ dàng với nhau, giảm thiểu trao đổi qua văn bản.

Bên cạnh đó, Quảng Tây có biên giới với 4 tỉnh của Việt Nam với 9 cặp cửa khẩu nhưng mới 6 trong số đó được xuất nhập khẩu rau củ quả. Thứ trưởng Trần Thanh Nam kiến nghị Hải quan Nam Ninh xem xét, mở rộng quy mô xuất nhập khẩu rau củ quả lên toàn bộ 9 cặp cửa khẩu, giảm áp lực cho các cửa khẩu truyền thống, tránh ùn tắc, giảm chi phí. Điều này sẽ đem lại thuận lợi cho cả 2 bên.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đưa ra các kiến nghị để thúc đẩy thông thương nông sản, thủy sản giữa Việt Nam và Quảng Tây. Ảnh: Cao Trần.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đưa ra các kiến nghị để thúc đẩy thông thương nông sản, thủy sản giữa Việt Nam và Quảng Tây. Ảnh: Cao Trần.

Liên quan vấn đề cửa khẩu số, Hải quan thông minh, đây là ý tưởng rất hay và Thứ trưởng Trần Thanh Nam bày tỏ sự tán thành về mặt chủ trương. Tuy nhiên, ông đề xuất phía Hải quan Nam Ninh sớm xây dựng đề án cụ thể vì ở khu vực cửa khẩu có nhiều đơn vị cùng làm nhiệm vụ chứ không phải chỉ Bộ NN-PTNT.

“Tôi cho rằng cả thế giới đều đang hướng đến mục tiêu hiện đại, thông minh và bền vững nên chúng ta cũng nên sớm xây dựng hệ thống cửa khẩu thông minh”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh thêm.

Về tạo điều kiện thúc đẩy thương mại nông sản cả trên đường bộ và đường biển, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT bày tỏ thống nhất cao với ông Vương Vị Băng.

Ông Trần Thanh Nam cũng đề cập ý tưởng thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nông sản Việt Nam - Quảng Tây. Từ đó tập hợp các doanh nghiệp có nhu cầu xuất nhập khẩu của 2 nước để kết nối, quản lý cho thuận lợi hơn.

Hiện tại, nhu cầu hợp tác các doanh nghiệp nông sản giữa 2 nước rất lớn, ví dụ như trong các mùa thu hoạch trái cây như mùa vải đang diễn ra ở Bắc Giang, Hải Dương. Việc thành lập hiệp hội sẽ giúp các cơ quan chức năng tiếp cận gần hơn với các doanh nghiệp, định hướng, hỗ trợ tốt hơn để đẩy mạnh kim ngạch xuất nhập khẩu.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT và Cục Hải quan Nam Ninh chụp ảnh lưu niệm sau hội đàm. Ảnh: Cao Trần.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT và Cục Hải quan Nam Ninh chụp ảnh lưu niệm sau hội đàm. Ảnh: Cao Trần.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng nêu kiến nghị về việc thành lập các chuỗi doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc trong lĩnh vực logistics, đặc biệt là chuỗi lạnh với sự kiểm soát của cơ quan chức năng 2 nước để phục vụ xuất nhập khẩu nông sản, đảm bảo chất lượng, giảm giá thành trong giao thương.

Thêm một ý tưởng nữa được lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề ra đó là khả năng xây dựng các kho lạnh hay trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm ở khu vực biên giới để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của 2 nước, đặc biệt là trong các giai đoạn cao điểm.

“Hiện nay, Việt Nam có nhiều vùng an toàn dịch bệnh chăn nuôi, nhiều doanh nghiệp đầu tư lớn cho các chuỗi sản xuất chăn nuôi và xuất khẩu đi một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… Sắp tới, chúng tôi sẽ đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Tổng cục Hải quan Trung Quốc để sớm mở cửa cho các sản phẩm chăn nuôi Việt Nam”, Thứ trường Trần Thanh Nam thông tin và mong nhận được sự ủng hộ của phía Hải quan Nam Ninh.

Cuối cùng, Thứ trưởng Nam nhấn mạnh thêm về giao thương các sản phẩm thủy sản giữa 2 nước, vốn có nhu cầu rất lớn nhưng thỏa thuận về kiểm soát an toàn thực phẩm với sản phẩm thủy sản lại sắp hết hạn vào tháng 9/2023. Do đó, kiến nghị phía Hải quan Trung Quốc sớm hoàn tất các thủ tục để ký nghị định thư mới về xuất nhập khẩu thủy sản và các loài thủy sản sống giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng đề xuất phía Hải quan Nam Ninh xem xét, mở rộng danh mục thủy sản và loài thủy sản sống và phê duyệt thêm danh sách các doanh nghiệp được phép xuất nhập khẩu giữa 2 nước.

(ghi)

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.