Phương tiện chở nông sản lên cửa khẩu Hữu Nghị tăng đột biến. Cơ hội xuất khẩu nông sản thế mạnh sang thị trường Ấn Độ. Ổi lê Cao Lãnh được cấp chứng nhận nhãn hiệu. Nghệ An xây dựng chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng 300.000 đồng/ha/năm. Bắt tàu vận chuyển 150.000 lít dầu DO trái phép.
PHƯƠNG TIỆN CHỞ NÔNG SẢN LÊN CỬA KHẨU HỮU NGHỊ TĂNG ĐỘT BIẾN
Theo thông tin từ Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 23/5, lượng phương tiện chở hàng hóa lên khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tăng đột biến do sầu riêng đang vào chính vụ thu hoạch và mặt hàng này chỉ được xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế. Dự báo trong thời gian tới, các phương tiện chở mặt hàng sầu riêng từ các tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ tiếp tục dồn lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị để xuất khẩu. Để góp phần giải quyết tình trạng ùn ứ, điều tiết phương tiện đang xếp hàng dài trên tuyến quốc lộ, tất cả các phương tiện chở hàng hóa chờ xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị thực hiện điều tiết vào Khu phi thuế quan để dừng đỗ. Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khuyến cáo các doanh nghiệp cân nhắc, chủ động điều tiết hàng hóa lên cửa khẩu một cách hợp lý để tránh phát sinh thêm các chi phí lưu kho bãi.
CƠ HỘI XUẤT KHẨU NÔNG SẢN THẾ MẠNH SANG THỊ TRƯỜNG ẤN ĐỘ
Theo Vụ thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương, chính sách ngoại thương 2023 của Ấn Độ gắn liền với việc nước này tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, quốc gia Nam Á này dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng việc nhập khẩu các nguyên phụ liệu, nguyên liệu cho hoạt động sản xuất. Các mặt hàng và nhóm mặt hàng dự báo Ấn Độ sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu gồm nhóm hàng nông thủy sản, gia vị, nhóm hàng phục sản xuất nông nghiệp, máy móc thiết bị nông nghiệp.Trong 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Ấn Độ đạt 4,9 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái.Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam sang Ấn Độ vẫn đạt kim ngạch tăng so với cùng kỳ, cụ thể: gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 21 triệu USD, tăng 171%; sản phẩm cao su đạt 5,2 triệu USD, tăng 21%; cà phê đạt 27 triệu USD, tăng 73%.
ỔI LÊ CAO LÃNH ĐƯỢC CẤP CHỨNG NHẬN NHÃN HIỆU
Ổi lê Cao Lãnh vừa được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.Toàn huyện có 518ha ổi, sản lượng khoảng 70.720 tấn, được sản xuất theo hướng an toàn và hữu cơ, có 3,2ha ổi được chứng nhận VietGAP.Ổi lê Cao Lãnh được cấp chứng nhận nhãn hiệu có màu sắc nhãn hiệu là nâu, xanh lá cây, xanh lá cây đậm, xanh lá chuối. Các sản phẩm mang nhãn hiệu gồm có ổi lê sấy dẻo, ổi lê sấy khô, quả ổi lê tươi, nước ép ổi lê.Cùng với đó là các dịch vụ mua bán sản phẩm quả ổi lê tươi, ổi lê sấy dẻo, ổi lê sấy khô, nước ép ổi lê; dịch vụ quảng cáo, quảng bá các sản phẩm quả ổi lê tươi, ổi lê sấy dẻo, ổi lê sấy khô, nước ép ổi lê.
NGHỆ AN XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ BẢO VỆ RỪNG 300.000 ĐỒNG/HA/NĂM
Tại phiên họp thường kỳ tháng 5/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ cho chủ rừng để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.Điều kiện hỗ trợ là các chủ rừng sử dụng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng là lao động hợp đồng để thực hiện quản lý bảo vệ rừng đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên đang trong thời gian đóng cửa rừng nhưng chưa được bố trí nguồn kinh phí quản lý bảo vệ rừng hoặc đã được bố trí nhưng đơn giá thấp hơn 300.000 đồng/ha/năm.Mức hỗ trợ đối với diện tích chưa được bố trí nguồn kinh phí quản lý bảo vệ rừng thì 300.000 đồng/ha/năm; Đối với diện tích đã được bố trí kinh phí bảo vệ rừng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, các chương trình dự án, nguồn vốn hợp pháp khác nhưng tổng đơn giá đã hỗ trợ nhỏ hơn 300.000 đồng/ha/năm thì hỗ trợ bổ sung để đạt mức 300.000 đồng/ha/năm.Kinh phí thực hiện là nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ mỗi năm không quá 15 tỷ đồng. Dự thảo Nghị quyết sẽ được trình HĐND tỉnh vào kỳ họp tới.
BẮT TÀU VẬN CHUYỂN 150.000 LÍT DẦU DO TRÁI PHÉP
Sáng 29/5, lực lượng chức năng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật Cảnh sát biển cho biết đã dẫn giải tàu BT 99900TS chở khoảng 150.000 nghìn lít dầu DO không rõ nguồn gốc về tới cảng Hải đội 301, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tại TP Vũng Tàu để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.Chiếc tàu trên bị lực lượng Cảnh sát biển phát hiện, kiểm tra vào lúc 2 giờ 15 phút ngày 26/5 tại khu vực biển cách Tây Nam bãi Quế Đường khoảng 20 hải lý.Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 5 thuyền viên do ông Võ Văn Tiếng sinh năm 1970, trú tại tỉnh Tiền Giang làm thuyền trưởng. Theo lời khai của ông Tiếng, tàu đang vận chuyển khoảng 150.000 lít dầu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp hàng hóa. Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.