Làm việc với Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, tôi ngỏ ý tìm kiếm vài mô hình thành công của Việt kiều, khi quyết định rót tiền vào mảng nông nghiệp vốn nhiều rủi ro, đặc biệt là nông nghiệp thông minh. Ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban cho hay, Tập đoàn Mỹ Lan của TS Nguyễn Thanh Mỹ là mô hình thành công sớm nhất.
Ra đi để trở về
TS Nguyễn Thanh Mỹ (SN 1955), có thời gian sinh sống và làm việc tại Canada hơn 20 năm. Đau đáu duyên nợ với Tổ quốc, từ năm 2004, ông quyết định về cố hương, đặc biệt là về nơi “chôn nhau cắt rốn” của ông, mảnh đất Trà Vinh. Từ đó, ông lập nên Tập đoàn Mỹ Lan hùng mạnh gồm 3 đơn vị thành viên, hiện đang sản xuất kinh doanh trên ba lĩnh vực hóa chất, vật tư ngành in và quang điện tử.
TS Nguyễn Thanh Mỹ giới thiệu ưu điểm sản phẩm phân bón thông minh với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường |
Tuy nhiên, sau 2 tuần nghỉ hưu từ Tập đoàn Mỹ Lan, cách đây 2 năm, ông quyết định rẽ sang lĩnh vực phân bón với Cty Rynan Smart Fertilizers, chuyên sản xuất phân bón thông minh phục vụ vùng ĐBSCL. Trong lúc biến đổi khí hậu khốc liệt, phân bón của Rynan Smart Fertilizers ứng dụng công nghệ mới, giúp tăng doanh thu cho người nông dân, lại giảm tối đa lượng khí thải độc hại do canh tác hóa học.
Nói về lý do chuyển sang “ngã rẽ” này, ông bộc bạch: Trước đây, trong quá trình giảng dạy cho sinh viên Khoa Hóa học ứng dụng, Đại học Trà Vinh (nơi ông làm trưởng khoa), khi cho sinh viên đi lấy nước về phân tích, ông phát hiện ra hầu hết nguồn nước vùng châu thổ ô nhiễm phân bón. Phân đưa xuống ruộng thường tan liền, trong đó phân đạm khi tan ra bị vi khuẩn biến thành muối amoni, nếu đất bị kiềm chút xíu thành khí amoniac bay đi, một số chuyển hóa thành khí nhà kính…
“Hơn 60% đạm mất đi do bốc hơi, bị rửa trôi, lúa chỉ hấp thu 40%. Phân lân, phân kali cũng vậy, mưa là trôi xuống sông. Muốn giảm lượng khí nhà kính do nông nghiệp phải có phân bón thông minh hơn. Đó là con đường duy nhất cho ĐBSCL phát triển bền vững”, ông khẳng định.
TS Việt kiều Nguyễn Thanh Mỹ trình bày về canh tác lúa lý tưởng |
Theo ông Mỹ, khó nhất chính là nghiên cứu ra chất bao ngoài bằng ba lớp chất dẻo bọc phân, khi bón phân xuống ruộng có thể kiểm soát được thời gian phân tan dần trong đất. Khó thứ hai là phải kết hợp được “bốn nhà” trong quá trình thử nghiệm và triển khai đại trà. |
Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu Israel, Mỹ về cách làm phân bón tan chậm có kiểm soát, đội ngũ nghiên cứu của Cty Rynan đã tạo ra loại phân bón thông minh. Cty đã đầu tư gần 10 triệu USD để xây dựng nhà máy, nhập về dây chuyền sản xuất hiện đại, cho ra đời sản phẩm phân bón tiêu chuẩn 4.0 với nguyên liệu, sản xuất thân thiện với môi trường.
Hiệu quả từ tầm nhìn
“Nơi tôi ở là cù lao Long Trì bên dòng sông Cổ Chiên, ba tháng nay không có nước tưới cây. Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng rất lớn đến nông nghiệp, đến môi trường. Chỉ còn một cách duy nhất là phải ứng dụng công nghệ hiện đại để giúp nông dân khá giả hơn, giữ được an ninh, an toàn cho thực phẩm.
Đây chính là cơ hội cho những doanh nghiệp sử dụng công nghệ nhằm gia tăng chuỗi giá trị nông nghiệp vào tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất chế biến đến phân phối tiêu thụ”, ông Mỹ tâm tư. Vậy là, ngay đầu năm 2018, ông đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất phân bón thông minh tại KCN Long Đức, TP Trà Vinh.
Ông cho biết, phân bón thông minh được tráng phủ một lớp polymer công nghệ cao thân thiện môi trường, giảm khí thải nhà kính hơn 60%. Ưu điểm của loại phân này là sau khi nước thẩm thấu qua màng phủ vào bên trong thì các khoáng chất như N,P,K, Cu, Mn, Fe, Zn... hòa tan từ từ, tùy loại cây trồng mà phân tan hết từ 1 - 12 tháng hoặc lâu hơn.
Đây là những khoáng chất sẽ cung cấp nguồn dinh dưỡng cho cây trồng trong toàn bộ quá trình từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch với một cơ chế phóng thích đặc biệt, giảm lượng phân bón sử dụng 40% đến 60%, chỉ bón phân 1 lần cho mỗi mùa vụ, tăng năng suất thu hoạch hơn 10%, giảm hơn 60% khí nhà kính…
Nhận thấy tính năng ưu việt này, ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, năm nay Ban chỉ đạo dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL của tỉnh tài trợ hơn 1,6 tỷ đồng phối hợp với Cty Rynan thực hiện tiểu dự án sản xuất 200ha lúa theo quy trình sản xuất thông minh tại huyện Tiểu Cần, tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ đồng.
Điều khiển hệ thống bơm tự động thông qua ứng dụng của Cty Rynan trên thiết bị di động |
Mới đây, ngày 23/3 tại xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, Cty Rynan đã tổ chức hội thảo mô hình canh tác lúa thông minh, sau khi thí điểm lần đầu tiên tại xã Phú Cần với hơn 10 HTX tham dự, cho kết quả tốt. “Điểm nổi bật là dùng phân bón thông minh cùng với máy cày hiện đại cùng lúc thực hiện 3 công đoạn gồm cấy lúa, bón phân và phun thuốc diệt ốc, sẽ tiết kiệm chi phí về phân bón, thuốc BVTV và lao động, đặc biệt là giảm khí thải nhà kính”, vị Việt kiều Canada chia sẻ.
Cùng với đó, Cty còn trang bị cho nông dân hệ thống cảm ứng mực nước thông minh nhằm giúp họ theo dõi mực nước cần sử dụng cho lúa. Nông dân bơm nước vào ruộng hay rút nước ra sẽ thao tác bằng cách điều khiển qua điện thoại thông minh bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu mà không cần phải ra ruộng.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, năm 2017 Cty Rynan đã tiến hành thực nghiệm phân bón thông minh trên 200ha lúa tại huyện Tam Nông. Kết quả cho thấy, sản xuất lúa theo quy trình kỹ thuật và sử dụng phân bón thông minh hạn chế đến mức thấp nhất về ô nhiễm môi trường, giúp nông dân giảm chi phí giống, phân bón, ngày công lao động và có nhiều ưu thế thích ứng biến đổi khí hậu.
TS Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan từng làm việc cho những Cty điện toán và in ấn hàng đầu thế giới như IBM, Sun Chemicals và Kodak Polychome Graphics. Ông hiện sỡ hữu hơn 200 bằng phát minh, sáng chế. Cty American Dye Source (ADS) do ông sáng lập đã tạo ra cuộc cách mạng trong ngành in, phát quang, điện tử hữu cơ. |