| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam - Đối tác nông nghiệp quan trọng hàng đầu của Vương quốc Anh trong ASEAN

Thứ Tư 25/05/2022 , 21:18 (GMT+7)

Tiếp đón Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, bà Victoria Prentis nhấn mạnh tầm quan trọng hợp tác Việt Nam - Vương quốc Anh trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT...

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT hội đàm với Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT hội đàm với Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc chính thức tại Vương quốc Anh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã có cuộc hội đàm với bà Victoria Prentis, Quốc Vụ Khanh phụ trách Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh.

Sáng 25/5 (giờ London), tại trụ sở Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã hội đàm với bà Victoria Prentis nhằm trao đổi, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn xứng tầm Đối tác chiến lược giữa hai nước.

Tại hội đàm, bà Victoria Prentis khẳng định phía Vương quốc Anh mong chờ tiếp đón và hoan nghênh, đánh giá cao chuyến thăm của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT.

Bà Victoria Prentis nhấn mạnh tầm quan trọng hợp tác Việt Nam – Vương quốc Anh trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT, đặc biệt là chiến lược đặt Việt Nam là đối tác quan trọng bậc nhất trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của Chính phủ Anh.

Hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và Vương quốc Anh gần đây đã được hai Chính phủ, hai Bộ quan tâm thúc đẩy, đặc biệt dưới sự hỗ trợ của Đại sứ quán hai nước đã đạt được những bước tiến quan trọng, đặt nền móng cùng hợp tác, phát triển trong tương lai. Các mặt hàng nông, lâm, thủy sản có thế mạnh của hai nước đều được xuất sang thị trường của nhau với kim ngạch ngày càng tăng, đặc biệt sau khi Hiệp định thương mại song phương giữa hai nước (UKVFTA) có hiệu lực.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ và đề xuất các hợp tác cụ thể với Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh. Đặc biệt, để triển khai các cam kết toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu tại COP26, Thứ trưởng đề nghị Vương quốc Anh hỗ trợ ngành nông nghiệp Việt Nam  các chương trình dự án phát triển cảnh quan bền vững, bảo vệ đa dạng sinh học, phát triển lâm nghiệp, tạo sinh kế cho người dân.

Hỗ trợ nguồn lực để thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp (chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đổi mới phương thức canh tác theo hướng phát thải thấp, giảm hao hụt lãng phí lương thực thực phẩm, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp; tăng chất lượng rừng trên cạn và rừng ngập mặn để tăng cường khả năng hấp thụ phát thải…).

Hỗ trợ xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu trực tuyến về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính ngành nông nghiệp; nghiên cứu giảm thiểu tác động của biến đối khí hậu và nông nghiệp thông minh.

Hợp tác thúc đẩy mở cửa thị trường

Về thương mại nông, lâm, thủy sản giữa 2 nước, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, các sản phẩm của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có tính bổ trợ cho nhau. Do vậy, Thứ trưởng đề nghị phía Vương quốc Anh sớm xem xét mở cửa thị trường các loại quả tươi như xoài, chanh leo, bưởi, vải, nhãn.

Đồng thời, để tăng cường thương mại sản phẩm chăn nuôi giữa hai nước, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị phía Vương quốc Anh cung cấp các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm và sớm xem xét đối với sản phẩm thịt lợn chế biến, thịt gia cầm chế biến và trứng gia cầm các loại (tươi sống, chế biến), sữa và sản phẩm sữa của Việt Nam vào thị trường Anh.

Thêm vào đó, phía Việt Nam mong muốn hợp tác với Vương quốc Anh về nâng cao phúc lợi động vật, hỗ trợ ngành chăn nuôi Việt Nam cải thiện phúc lợi động vật theo quy định của Luật pháp Việt Nam cũng như đáp ứng được các quy định quốc tế.

Qua đó, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm thịt gia súc được sản xuất tại Việt Nam. Việc nâng cao phúc lợi động vật tại Việt Nam cũng góp phần thúc đẩy việc xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc động vật từ Việt Nam sang các nước.

Nhằm đáp ứng những tiêu chí về phúc lợi động vật và phát triển bền vững, Thứ trưởng đề nghị phía Vương quốc Anh hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm, nghiên cứu, nâng cao năng lực, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức chung về phúc lợi động vật; xây dựng cơ chế, chính sách để những sản phẩm chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học, đáp ứng các tiêu chí phúc lợi động vật được bán với giá cao, tạo động lực cho người chăn nuôi; áp dụng những tiến bộ khoa học - công nghệ, cập nhật và bổ sung những văn bản quản lý, hệ thống pháp chế liên quan đến ngành chăn nuôi…

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tặng quà OCOP cho bà Victoria Prentis, Quốc Vụ Khanh phụ trách Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tặng quà OCOP cho bà Victoria Prentis, Quốc Vụ Khanh phụ trách Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh.

Bà Victoria Prentis hoàn toàn nhất trí với những đánh giá về tiềm năng hợp tác giữa hai Bộ trong thời gian sắp tới và ghi nhận các đề nghị, xem xét các hồ sơ theo thứ tự ưu tiên do Việt Nam đề xuất để thúc đẩy mở cửa thị trường.

Ở chiều ngược lại, bà Victoria Prentis cũng đề nghị Việt Nam xem xét một số sản phẩm thịt lợn và thịt gà… để những sản phẩm này sớm vào được thị trường Việt Nam. Đồng thời, phía Vương Quốc Anh cam kết ủng hộ mạnh mẽ việc bảo vệ phúc lợi động vật, chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam theo hướng xanh, phát thải thấp, bền vững. Để thúc đẩy triển khai hợp tác mạnh mẽ với nông nghiệp Việt Nam, lần đầu tiên Vương quốc Anh sẽ cử Tham tán nông nghiệp sang làm việc tại Hà Nội ngay trong năm nay.

Kết thúc Hội đàm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và bà Victoria Prentis thống nhất việc trao đổi Đoàn cấp cao giữa hai Bộ và giao cho các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch cụ thể, từ đó triển khai hợp tác giữa 2 Bộ, tận dụng tốt nhất lợi thế của mỗi nước.

Xem thêm
Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Từ 2025, CSGT có thể khai thác dữ liệu giám sát hành trình người lái xe

Điều 5 của Thông tư quy định việc kiểm soát thông qua hệ thống, phương tiện, thiết bị, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.