Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương
Một sự đổi trắng thay đen trắng trợn bất chấp luật pháp quốc tế trong ngày 26/5 hóa ra lại xuất phát từ Trung Quốc - nước có tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao nước này, người phát ngôn Tần Cương có phát ngôn hàm hồ thế này: “Về việc Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức họp báo vào thứ Sáu tuần trước (23/5), tôi cảm thấy hết sức lố bịch”. Ông này nói tiếp: “Quần đảo Tây Sa [tức Hoàng Sa] là lãnh thổ không thể tranh cãi của Trung Quốc” và cho rằng Việt Nam “bóp méo lịch sử, bác bỏ sự thật”.
Nhưng chắc hẳn ông Tần Cương đã đánh mất sự xấu hổ để thay mặt nhà nước của ông đòi "cái mà mình không có".
Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam ở Hà Nội hôm 23/5, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia nói Việt Nam khẳng định: Việt Nam "có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
"Theo logic thông thường là bạn không thể cho người khác cái gì khi bạn chưa có được”, ông Trần Duy Hải khẳng định.
Đây là cơ sở pháp lý để Việt Nam sẽ tính đến "phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế", như lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì Việt Nam "nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó".
Đây là tinh thần dân tộc, là điều thiêng liêng mà chính quyền Trung Quốc hiện nay cần phải lấy làm bài học từ nhiều nghìn năm các triều đại phong kiến Trung Hoa đã nếm trải.
Việt Nam đang nhận được sự ủng hộ từ nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế để xúc tiến việc kiện Trung Quốc ra các tòa án quốc tế.