HD 981 là giàn khoan nước sâu do Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc quản lý. Từ ngày 1/5, HD 981 đã xâm phạm lãnh hải Việt Nam với âm mưu khoan xuống thềm lục địa của Việt Nam để tìm dầu. Đây là hành động ngang ngược chưa từng có của một quốc gia đối với quốc gia khác có chủ quyền.
Hành động đưa giàn khoan HD 981 vào hạ đặt trên thềm lục địa Việt Nam của Trung Quốc càng leo thang khi nước này cho hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống trong đó có cả máy bay tiềm kích; hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương.
Tại diễn đàn Hội nghị cấp cáo ASEAN vừa kết thúc tại Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận định hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Trên bình diện rộng hơn, Mỹ, EU, Anh và nhiều tổ chức quốc tế khác đều có quan điểm ủng hộ Việt Nam, lên án Trung Quốc đã có hành động nguy hiểm, làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.
Ở trong nước, nhiều cuộc tuần hành rầm rộ đồng loạt trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam cùng các cuộc mít tinh của các tổ chức đoàn thể đều chia sẻ tinh thần bất bình sâu sắc, phản đối mạnh mẽ hành động ngang ngược, trắng trợn của phía Trung Quốc.
Đã có thời điểm, sự phản đối được đẩy lên cao trào với những khẩu hiệu “đả đảo”, “xâm lược”, “bành trướng”, “dã tâm”...
Có suy nghĩ rằng, bên cạnh sự leo thang về mặt quân sự như cử tàu chiến, máy bay tiêm kích đến khu vực giàn khoan HD 981 trái phép sẽ là chiến thuật lấn dần từ 1 hải lý lên 3, lên 5, lên 10 hải lý và không lâu nữa sẽ là hàng chục, hàng trăm hải lý.
Trung Quốc chẳng đã đưa ra cái “đường lưỡi bò” nhằm “nuốt trọn” Biển Đông của Việt Nam và ảnh hưởng cả đến những quốc gia khác trong ASEAN?!
Ngăn chặn sự xâm phạm ngang ngược đang xảy ra và cả mối nguy hiểm tiềm tàng cần giải pháp ngoại giao, đàm phán, kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Kịch bản ngăn chặn cũng không thể không tính đến giải pháp đưa ra hệ thống tòa án quốc tế và cả những biện pháp quân sự.
Nhưng trước khi nghĩ đến giải pháp quân sự đầy bất trắc, đưa kẻ xâm hại chủ quyền ra toàn án quốc tế là việc làm của những suy nghĩ văn minh bên cạnh việc làm của lẽ phải và chính thống là đàm phán ngoại giao.
TS. Dương Danh Huy, một nhà nghiên cứu lâu năm về Biển Đông cũng cho rằng, giải pháp quân sự cho vụ HD 981 là “chuyện hoang đường”. Ông Huy nhận định dư luận càng ngày càng quan tậm về việc đưa vấn đề ra tòa, thí dụ như Tòa án Công lý Quốc tế hay Tòa Trọng tài Luật biển.
Các luật sư trong nước cũng đã tính đến giải pháp kiện Trung Quốc ra tòa.
Ngoài tòa án quốc tế thì việc khởi kiện ra một tòa án tại Việt Nam cũng là ý tưởng không tồi.
Luật sư Lê Thanh Sơn từ Văn phòng Luật sư AIC-Lawyers & Consultants cho biết “chúng tôi đang đề xuất một vụ kiện hoàn toàn trong nước. Chúng tôi kiện và tòa án Việt Nam đủ thẩm quyền giải quyết vụ này.”
3 khả năng khởi kiện mà ông Lê Thanh Sơn đề xuất gồm:
Thứ nhất, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiện Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc.
Thứ hai là Tổng công ty Dầu khí Việt Nam kiện Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc.
Thứ ba là Hội nghề cá Việt Nam kiện Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc.
Cả 3 vụ kiện đó đều có thể thực hiện ở Việt Nam và chính thẩm phán Việt Nam sẽ là đơn vị xét xử.
Ông Sơn nhấn mạnh, trong trường hợp chưa cần thiết khởi kiện cấp chính phủ thì có thể kiện như vậy.
Cái hay của nó nằm ở chỗ khởi kiện là cách khẳng định vị thế của Việt Nam. Hơn nữa, theo luật pháp thì đây là vấn đề dân sự bình thường.
Ví dụ việc giàn khoan kéo đến vùng biển chúng ta cản trở ngư dân hoạt động tại vùng biển Việt Nam một cách hợp pháp, như vậy là kiện được theo luật Việt Nam rồi.
Còn việc họ tham gia xử hay không không quan trọng. Cái việc thực thi bản án chưa đề cập đến. Điều quan trọng là, qua việc kiện chúng ta tập hợp tư liệu và cơ sở pháp lý, đó là bước thực tập đầu tiên để chúng ta hoàn toàn chuẩn bị kiện cấp chính phủ sau này.