| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam sẽ có thị trường các bon trong nước từ năm 2028

Thứ Sáu 05/11/2021 , 05:13 (GMT+7)

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là cơ sở mở ra thị trường các bon trong nước, tuy nhiên cơ chế mua bán tín chỉ các bon vẫn ở những bước đầu tiên.

Thị trường các bon thương mại sẽ là động lực để người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Ảnh: Hoàng Anh.

Thị trường các bon thương mại sẽ là động lực để người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Ảnh: Hoàng Anh.

Đến thời điểm này, đã có khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng hoặc lên kế hoạch áp dụng công cụ định giá các bon, với tổng lượng khí nhà kính có khả năng thương mại hóa tính tương đương lên tới 12 tỷ tấn CO2, chiếm khoảng 22,3% tổng lượng khí nhà kính phát thải toàn cầu.

Đi đầu trong việc thiết lập cơ chế định giá các bon vẫn là các quốc gia phát triển như thành viên Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, Canada, nhóm kém tiềm lực hơn gồm Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Pakistan, Colombia, Argentian, Chile... đã đi qua giai đoạn thử nhiệm công cụ định giá và đủ điều kiện áp dụng thương mại sớm.

Theo một số tính toán mang tính phổ cập, thị trường các bon thương mại năm 2029 có giá trị lên tới 45 tỷ USD và còn nhiều cơ hội phát triển, mở ra tiềm năng thương mại lớn cho các nước phát thải ít, trong đó có Việt Nam.

Tiềm năng từ rừng sẽ được thêm lợi ích khi vận hành thị trường các bon trong nước từ năm 2028. Ảnh: Hoàng Anh.

Tiềm năng từ rừng sẽ được thêm lợi ích khi vận hành thị trường các bon trong nước từ năm 2028. Ảnh: Hoàng Anh.

Thí điểm trước 2027, vận hành thương mại từ năm 2028

Lộ trình phát triển thị trường các bon trong nước cùng thực hiện các dự án trao đổi tín chỉ trong và ngoài nước là những nội dung chính trong dự thảo Nghị định quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn thuộc Luật Bảo vệ môi trường do Bộ TN-MT đang xây dựng.

Dự thảo xác định đến năm 2025 là giai đoạn chuẩn bị, thực hiện các hoạt động như nghiên cứu quy chế xây dựng thị trường các bon, các quy định về triển khai thực hiện cho phép đơn vị tham gia dự án trao đổi tín chỉ các bon, tăng cường năng lực cho các bên tham gia; điều tra, đánh giá xác định tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính sẽ phân bổ cho các cơ sở tham gia thị trường…

Dự kiến sau năm 2025 đến năm 2027 sẽ vận hành thí điểm thị trường các bon trong nước và ban hành các quy định về giao dịch phát thải, trách nhiệm tài chính của các bên tham gia. Từ năm 2028 sẽ chính thức vận hành thị trường.

Trong giai đoạn thí điểm, các ngành có lượng phát thải khí nhà kính lớn như thép, nhiệt điện, quản lý chất thải rắn, sản xuất xi măng sẽ được giao nhiệm vụ kiểm kê phát thải theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đồng thời nâng cao nhận thức hay bổ sung, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tham gia thị trường thương mại chính thức khi vận hành.

Ông Tăng Thế Cường - Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN-MT) cho biết, cơ chế thị trường trao đổi tín chỉ các bon được coi là một trong những công cụ quan trọng nhất, đòn bẩy trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Giữ được rừng sẽ được lợi nhiều mặt. Ảnh: Hoàng Anh.

Giữ được rừng sẽ được lợi nhiều mặt. Ảnh: Hoàng Anh.

Tiềm năng lớn

Thị trường các bon thế giới đang tồn tại dưới hai hình thức, gồm thị trường các bon bắt buộc và thị trường các bon tự nguyện. Thị trường các bon bắt buộc được thành lập và quản lý bởi các hiệp định, thỏa thuận giảm phát thải các bon quốc gia và quốc tế, ví dụ như Nghị định thư Kyoto, thị trường trao đổi phát thải của Liên minh châu Âu. Cơ chế vận hành tiêu biểu là thông qua thiết lập hệ thống thương mại phát thải (ETS).

Trong Đề tài Khoa học công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu đề xuất mô hình thị trường các bon ở Việt Nam”, thuộc Chương trình “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 - 2020”, các nhà khoa học đã chỉ ra, nguyên tắc cơ bản của thị trường trao đổi tín chỉ các bon là bên phát thải lớn sẽ trả phí để nhận thêm các tín chỉ, hạn ngạch phát thải nhằm đạt được các mục tiêu giảm nhẹ, theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.

Bên bán ở cấp quốc gia là Chính phủ, có nhiệm vụ phân bổ, hoặc giao bán hạn ngạch phát thải thể hiện ở dạng tín chỉ, giấy phép phát thải một lượng các bon nhất định trong một khoảng thời gian.

Bên phát thải (bên mua) chỉ có quyền phát thải tương đương với số lượng tín chỉ hoặc giấy phép đang sở hữu. Các doanh nghiệp phát thải có nguyện vọng tăng lượng phát thải, tương ứng tăng lượng sản xuất, sẽ phải mua tín chỉ từ những bên có nguyện vọng bán lại.

Vì vậy, các bên có khả năng giảm phát thải hiệu quả sẽ có động lực để thực sự tiến hành giảm phát thải và qua đó thúc đẩy động lực đầu tư vào công nghệ sạch, ít phát thải. Đây chính là thị trường mà Việt Nam đang hướng tới.

Tuy nhiên, các cơ chế, dự án trao đổi tín chỉ mà Việt Nam tham gia đến nay mới giới hạn ở thị trường quốc tế, chưa mở được thị trường trong nước cũng có tiềm năng lớn trong quá trình công nghiệp hóa.

Người dân tham gia bảo vệ rừng tự nhiên, mở rộng diện tích rừng trồng. Ảnh: Hoàng Anh.

Người dân tham gia bảo vệ rừng tự nhiên, mở rộng diện tích rừng trồng. Ảnh: Hoàng Anh.

Cơ hội từ REDD+

Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các - bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng (REDD+) được Chính phủ thông qua từ năm 2017 được cộng đồng quốc tế và nhiều quốc gia, đối tác đánh giá là chiến lược quan trọng, hiệu quả trong cuộc chiến chống tác động của biến đổi khí hậu.

Cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng khoảng 10 năm qua tại Việt Nam vừa thể hiện tiềm năng lẫn cam kết trong việc hướng tới cơ chế thị trường các bon nội địa, trong đó có sản phẩm quan trọng là các bon rừng.

Tuy nhiên, khó khăn Việt Nam đang vấp phải là xác định quyền các bon, hệ thống chuyển nhượng quyền các bon, giấy chứng nhận giảm phát thải cũng như cơ chế quản lý tài chính và chia sẻ lợi ích từ nguồn thu giảm phát thải này.

Để khắc phục, gần đây Bộ NN-PTNT và Quỹ Bảo vệ rừng Việt Nam đã đề nghị Tổ chức Nghiên cứu lâm nghiệp quốc tế hỗ trợ về mặt kinh nghiệm. Một số khuyến cáo được đưa ra, trong đó có ý kiến cho rằng Việt Nam nên ưu tiên phát triển thị trường các bon tự nguyện, đồng thời xem xét hai mô hình hàng hóa các bon là hạn mức phát thải và bồi hoàn các bon. Hai loại hàng hóa này đang có lượng người mua tiềm năng lớn cả trên thị trường trong và ngoài nước.

REDD+ xác định mục tiêu giai đoạn 2021 - 2030:

- Ổn định diện tích rừng tự nhiên đến 2030 ít nhất bằng diện tích đã đạt được tại năm 2020 (14,4 triệu ha) và tăng độ che phủ rừng toàn quốc lên 45%, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia đến năm 2030 giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) theo cam kết tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, mức đóng góp có thể tăng lên 27% khi nhận được hỗ trợ quốc tế.

- Nhân rộng các mô hình có hiệu quả cao về REDD+ và quản lý rừng bền vững, lồng ghép REDD+ vào chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững.

- Hoàn thiện chính sách, pháp luật, khung hành động của chương trình

REDD+ và tiếp cận các nguồn tài chính chi trả dựa vào kết quả phù hợp với các yêu cầu quốc tế.

Khởi động từ Quảng Nam

Giữa năm 2021, tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên trong cả nước được Chính phủ giao thí điểm thực hiện đề án xuất khẩu tín chỉ các bon rừng (cho giai đoạn 2021 - 2025). Cụ thể, năm 2021 bán 1,2 triệu tấn CO2 (tương đương 1,2 triệu tín chỉ), đến năm 2025 bình quân mỗi năm bán 0,8 triệu tấn CO2, sau đó có thể nâng lên mức 1,2 triệu tấn CO2 mỗi năm.

Giá bán thấp nhất ước tính là 5 USD/tấn CO2, khả năng dự kiến thu về cho ngân sách tỉnh khoảng 130 tỷ đồng/năm, tức cao hơn nguồn thu dịch vụ môi trường rừng hiện là khoảng 100 tỷ đồng và cao hơn nguồn đầu tư ngân sách vào lâm nghiệp 2 - 2,5 lần.

UBND tỉnh Quảng Nam kỳ vọng cơ chế thương mại các bon rừng sẽ giúp tỉnh giữ hiện trạng rừng tự nhiên hiện có là 466.113ha và tiến tới tăng độ che phủ rừng, đồng thời giảm phát thải từ rừng. Một điểm lợi ích vô cùng quan trọng là địa phương có thêm nguồn thu ngân sách, trong khi tiền bán tín chỉ các bon rừng sẽ được chi trả thêm cho người dân từ rừng, giúp nâng cao thu nhập.

Theo đánh giá của ngành lâm nghiệp, Việt Nam có tiềm năng bán ra thị trường thế giới 57 triệu tín chỉ các bon mỗi năm.

Thục An

Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Trao tặng 80 di ảnh cho thân nhân các anh hùng liệt sỹ

Hội Cựu công an nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức lễ trao 80 di ảnh các anh hùng, liệt sỹ tới thân nhân, gia đình.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.