| Hotline: 0983.970.780

VIETRISA góp phần tư duy lại cấu trúc ngành hàng lúa gạo

Thứ Hai 11/12/2023 , 21:00 (GMT+7)

Ngày 11/12, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2023 - 2028. Với tín nhiệm cao, PGS.TS Bùi Bá Bổng trở thành Chủ tịch hiệp hội.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ trao quyết định thành lập Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Ảnh: Kim Anh.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ trao quyết định thành lập Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Ảnh: Kim Anh.

Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 959/QĐ-BNV ngày 28/11/2023 của Bộ Nội vụ, tên viết tắt là VIETRISA (Vietnam Rice Sector Association).

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng đánh giá, hiệp hội được thành lập trong bối cảnh nền nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, thân thiện, trách nhiệm. Trước yêu cầu đó, hiệp hội có nhiệm vụ quan trọng nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy xuất khẩu và huy động tổng hợp các nguồn lực và thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển ngành hàng lúa gạo.

Đây là tổ chức xã hội nghề nghiệp của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, cá nhân ở Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, chế biến, kinh doanh lúa gạo và các phụ phẩm, sản phẩm chế biến từ lúa gạo; các đơn vị sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, cơ giới hóa, công nghệ cao, công nghệ số, dịch vụ hậu cần (logistics) phục vụ phát triển ngành hàng lúa gạo.

Đồng thời, hiệp hội tạo ra không gian liên kết các tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực của ngành hàng, hình thành chuỗi giá trị để chung sức xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn đảm bảo đạt yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng, an toàn toàn thực phẩm.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam được thành lập nhằm tạo ra tính bền vững, chặt chẽ hơn cho cấu trúc, mắt xích ngành lúa gạo. Ảnh: Kim Anh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đánh giá, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam được thành lập nhằm tạo ra tính bền vững, chặt chẽ hơn cho cấu trúc, mắt xích ngành lúa gạo. Ảnh: Kim Anh.

Nhận định ngành hàng lúa gạo là vòng tròn mối quan hệ giữa nông dân, doanh nghiệp, chính quyền, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan bày tỏ, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam được thành lập nhằm tạo ra tính bền vững, chặt chẽ hơn cho cấu trúc, mắt xích ngành hàng lúa gạo.

Vì thế, Bộ trưởng đề nghị mỗi thành viên hiệp hội cần phát huy thế mạnh hiện có, cùng nhau kết nối, cùng đi và song hành với sự thay đổi để làm cho hạt gạo Việt ngày càng tốt hơn, khẳng định được vị thế trên thương trường quốc tế.

Hiện nay người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến chất lượng gạo ngon mà còn quan tâm đến cách tạo ra sản phẩm, có giảm phát thải, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nông dân hay không? Vì thế, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam cần góp phần tư duy lại toàn bộ cấu trúc ngành hàng. Đó là Việt Nam trồng lúa không chỉ vì lợi nhuận mà còn vì trách nhiệm với cộng đồng xã hội, bởi hạt gạo dù chỉ nặng 0,029g nhưng kết tinh toàn bộ hệ sinh thái người Việt. Và Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam là một vòng tròn các mối quan hệ và mỗi chủ thể đều có thể tham gia vào nhiều vòng tròn, nhưng cần đồng tâm, hội tụ lại kết tinh thành tinh thần dân tộc Việt Nam.

Ban chấp hành Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam nhiệm kỳ 2023 – 2028 chính thức ra mắt, PGS.TS Bùi Bá Bổng được bầu làm Chủ tịch hiệp hội. Ảnh: Kim Anh.

Ban chấp hành Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam nhiệm kỳ 2023 – 2028 chính thức ra mắt, PGS.TS Bùi Bá Bổng được bầu làm Chủ tịch hiệp hội. Ảnh: Kim Anh.

Đến thời điểm này, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam có 141 thành viên, trong đó có 33 thành viên thuộc Ban chấp hành hiệp hội. Được sự nhất trí của các thành viên, đại hội đã bầu ra 11 thành viên Ban thường vụ. Trong đó, PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT chính thức trở thành Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam và ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký hiệp hội, ngoài ra còn có 5 Phó Chủ tịch và 4 Ủy viên Thường vụ.

Theo định hướng phát triển, trong giai đoạn từ 2023 - 2028, từ nay đến năm 2026 hiệp hội sẽ phát triển thêm từ 50 - 100 hội viên mới.

Một trong những phương hướng hoạt động trọng tâm của Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong thời gian tới là xây dựng ít nhất 2 - 3 mô hình liên kết thành vùng nguyên liệu quy mô lớn đạt chuẩn. Mỗi địa phương vùng ĐBSCL có ít nhất 1 - 2 hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết hoạt động.

Trên cương vị mới, Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, PGS.TS Bùi Bá Bổng bày tỏ, hiệp hội sẽ là cầu nối giữa các chủ thể trong chuỗi ngành hàng lúa gạo vốn bị đứt gãy trước đây. Khi được kết nối lại sẽ tìm thấy những điểm yếu trong chuỗi ở từng địa phương, cơ quan đơn vị, từ đó đưa ra cách khắc phục cho ngành.

Đồng thời, thúc đẩy sự hợp tác, liên kết vùng và giữa các hội viên, địa phương, cơ quan chuyên môn để hình thành vùng nguyên liệu lúa tập trung, quy mô lớn, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, tạo điều kiện xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Danh sách 6 Phó chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam bao gồm:

Ông Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT;

Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt;

Ông Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn;

Bà Trần Kim Liên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinaseed;

Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời;

Ông Ngô Văn Đông, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền.

Xem thêm
Ngành NN-PTNT khu vực ĐBSCL đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

ĐBSCL Ngày 14/11, tại cảng Du thuyền TP Mỹ Tho diễn ra hội nghị tổng kết thi đua các khối Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL lần thứ VIII năm 2024.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

WWF-Việt Nam cam kết giúp giảm rác thải nhựa, đưa TP.Huế trở thành đô thị xanh

WWF-Việt Nam sẽ phối hợp triển khai, tiếp tục dự án giảm rác thải nhựa đến năm 2025, hứa hẹn tạo thêm cơ hội cho TP. Huế phát triển thành đô thị xanh và bền vững.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 1]: Khi rác nhựa là nguồn sống

Gần nửa thập kỷ qua, nghề phân loại, tái chế rác nhựa đã biến phân nửa làng nghề hương tăm truyền thống ở Xà Cầu thành 'thủ phủ' phế liệu lớn nhất thủ đô.