| Hotline: 0983.970.780

Con đường lúa gạo Việt Nam: Cầu nối về miền ký ức

Thứ Hai 11/12/2023 , 17:48 (GMT+7)

HẬU GIANG Với nhiều lão nông Hậu Giang, Con đường lúa gạo Việt Nam đã giúp họ một lần nữa trở về thuở trồng lúa nước tuy vất vả nhưng đầy tự hào.

Dù 7h30 ngày 11/12 mới diễn ra Lễ khai mạc Con đường lúa gạo Việt Nam nhưng từ tờ mờ sáng, ông Võ Thành Lọ (tên thường gọi Tiểu Bình) đã cùng chiếc máy ảnh của mình đi dọc con đường để lưu lại những kỉ niệm. Ông Bình mê mẩn chụp lại từng dụng cụ thổi lúa, máy xát gạo, cối giã, bồ đựng thóc… của những năm 1980.  

Ông Tiểu Bình đang lưu giữ lại những kỉ niệm của tuổi trẻ, về thuở tay lấm chân bùn. Ảnh: Lê Bình.

Ông Tiểu Bình đang lưu giữ lại những kỉ niệm của tuổi trẻ, về thuở tay lấm chân bùn. Ảnh: Lê Bình.

“Tôi lưu lại những bức hình cho con cháu và cho chính tôi. Những hình ảnh này gắn liền với tuổi thơ của thế hệ chúng tôi, giờ nó không còn nữa. Tôi sẽ kể cho con cháu tôi, bạn bè trên facebook về những tháng ngày sản xuất lúa gạo đầy cơ cực, tay lấm chân bùn nhưng đầy tự hào”, ông Bình nói.

Cũng theo chia sẻ của ông Tiểu Bình, vào đầu năm 2006, chiếc máy gặt đầu tiên được đưa về Nông trường Sông Hậu để trình diễn, khi ấy ông Bình còn là Giám đốc Công ty Việt Phú, Chi nhánh Kiên Giang. Thế nhưng, đến giờ đây, nông nghiệp lúa nước của ĐBSCL đã phát triển vượt bậc, gắn liền với cơ giới hóa hiện đại. Đó là điều mà những người như ông Bình cảm thấy rất tự hào.

Với ông Nguyễn Thành Điều, con đường lúa gạo Việt Nam như giúp ông một lần nữa trở về tuổi thơ. Ảnh: Lê Bình.

Với ông Nguyễn Thành Điều, con đường lúa gạo Việt Nam như giúp ông một lần nữa trở về tuổi thơ. Ảnh: Lê Bình.

Còn với ông Nguyễn Thành Điều, HTX Vị Thủy 1 (tỉnh Hậu Giang), Con đường lúa gạo Việt Nam lại cho ông những cảm xúc ngậm ngùi. Đây không chỉ là mô hình tái hiện lịch sử ngành hàng lúa gạo Việt Nam, mà nó còn là “đoàn tàu” đưa ông về những tháng ngày của tuổi thơ. Nhờ cây lúa mà những người như ông Điều ấm no từng ngày, có của ăn của để.

“Bước đi trên con đường này, được tận tay chạm lại vào những bồ đập lúa, kéo… khiến tôi không khỏi bồi hồi. Ngày xưa đâu được cơ giới hóa như bây giờ. Để từng cây lúa đâm bông, chúng tôi phải khai hoang, phát bụi, đập lúa…, cơ cực nhưng chính bông lúa giúp những người nông dân chúng tôi ấm no từng ngày. Việt Nam đã có những giống lúa được vinh danh, Hậu Giang có con đường lúa gạo dài kỉ lục Việt Nam, đó là những điều mà những lão nông như tôi vô cùng tự hào”, ông Điều chia sẻ.

Nhiều tiểu cảnh với những dụng cụ sản xuất lúa gạo được trưng bày tại Con đường lúa gạo Việt Nam. Ảnh: Lê Bình.

Nhiều tiểu cảnh với những dụng cụ sản xuất lúa gạo được trưng bày tại Con đường lúa gạo Việt Nam. Ảnh: Lê Bình.

Giờ đây, HTX Vị Thủy 1 mà ông Điều là thành viên cũng đang góp phần đưa thương hiệu gạo Việt vươn xa với hơn 100ha lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sắp tới, HTX sẽ đẩy mạnh canh tác lúa theo hướng thông minh, an toàn tuyệt đối với người tiêu dùng.

Phát biểu tại lễ khai mạc Con đường lúa gạo Việt Nam, ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho hay, đây là nơi để nhớ về những tiền nhân, những người khai hoang và phát triển ngành lúa nước. Đây cũng là cách để UBND Hậu Giang tri ân tiền nhân và cùng nhau nỗ lực hướng đến tương lai của ngành nông nghiệp và lúa gạo Việt Nam.

Trong trang phục áo bà ba, những “hai lúa” nhí của Trường mầm non Hoa Anh Đào (TP Vị Thanh) được các cô giáo cho đi trải nghiệm, trực tiếp chạm vào những bông lúa, đống rơm… Đây là dịp trải nghiệm hiếm có của những trẻ đang sống ở khu vực thành thị này.

Những 'hai lúa' nhí thích thú khi lần đầu tiên được chạm vào cây lúa, tìm hiểu về quá trình để sản xuất ra hạt gạo. Ảnh: Lê Bình.

Những "hai lúa" nhí thích thú khi lần đầu tiên được chạm vào cây lúa, tìm hiểu về quá trình để sản xuất ra hạt gạo. Ảnh: Lê Bình.

“Đây là dịp hiếm có của cả cô trò chúng tôi. Các cô giáo cũng muốn để trẻ được tận mắt chứng kiến, tiếp xúc với bông lúa ngoài đời thực xem có khác với trên tranh ảnh, video. Chúng tôi cũng sẽ dễ dàng hơn trong cách truyền đạt về các giai đoạn tăng trưởng của cây lúa, sự khó nhọc khi có được hạt cơm. Từ đó, trẻ sẽ có những trân quý về mỗi hạt gạo, thìa cơm trong bữa ăn hàng ngày”, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Trúc chia sẻ.

Festival Quốc tế Ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 là dịp để nhiều người lưu giữ những khoảnh khắc đẹp bên những bông lúa. Ảnh: Lê Bình.

Festival Quốc tế Ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 là dịp để nhiều người lưu giữ những khoảnh khắc đẹp bên những bông lúa. Ảnh: Lê Bình.

Trải dài trên Con đường lúa gạo Việt Nam, hàng ngàn chậu lúa nổi tiếng Việt Nam như IR50404, OM 5454, Đài thơm 8, ST 25… với nhiều giai đoạn sinh trưởng khác nhau được bày trí. Không những thế, các tiểu cảnh gồm những ngôi nhà truyền thống của nông dân Việt Nam, con trâu, cầu khỉ… cũng được tái hiện sống động.

Con đường lúa gạo Việt Nam nằm trong khuôn khổ Festival Quốc tế Ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023. Con đường tái hiện lịch sử hình thành và phát triển của lúa gạo Việt Nam, từ sơ khai đến nông nghiệp kinh tế tiểu nông, nông nghiệp thời công nghiệp hóa, nông nghiệp hiện đại 4.0. Đây là một trong những điểm nhấn của Festival Quốc tế Ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023.

Con đường lúa gạo Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao 2 xác lập kỉ lục ngay trong lễ khai mạc. Ảnh: Lê Bình.

Con đường lúa gạo Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao 2 xác lập kỉ lục ngay trong lễ khai mạc. Ảnh: Lê Bình.

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã xác lập 2 kỷ lục Việt Nam tại con đường đặc biệt này. Đó là: Không gian triển lãm, sắp đặt con đường lúa gạo, chủ đề “Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt” dài nhất và Bản đồ Việt Nam ghép từ các giống lúa đặc sản của các tỉnh, thành nhiều nhất.

Xem thêm
4 nguyên nhân của tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền

Sáng 4/11, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phân tích 4 nguyên nhân tình trạng lãng phí trong bộ máy công quyền.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nâng tường, đắp bao cát chống tràn vào bến Ninh Kiều

Cần Thơ Để ngăn nước tràn vào bến Ninh Kiều thời điểm triều cường vượt báo động III, ngành chức năng quận đã tạm thời cho nâng tường, đắp bao cát.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.