Năm 2021, tình hình sản xuất nông nghiệp nói chung và tại tỉnh Vĩnh Long nói riêng cơ bản ổn định ở những tháng đầu năm, cây lúa được mùa được giá. Tình hình dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi được kiểm soát tốt, không xảy ra trên diện rộng, qua đó góp phần ổn định sản xuất cho người dân.
Tuy nhiên, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp từ tháng 6 đến nay đã làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và lưu thông nông sản, khiến cho một số loại nông sản khó tiêu thụ.
Tại tỉnh Vĩnh Long, các loại nông sản chủ lực như: khoai lang tím, nhãn, chanh, tắc… cũng như gà công nghiệp trắng, heo hơi ở mức thấp thời gian dài. Bên cạnh đó, cá tra, cá điêu hồng tiêu thụ chậm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Song, diện tích cây ăn trái tiếp tục tăng, một số loại rau màu sau thời gian giãn cách đã tăng giá trở lại góp phần giúp người nông dân vượt qua khó khăn. Có thể nói, tái cơ cấu nông nghiệp, nhất là chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi ở Vĩnh Long đã minh chứng cho hiệu quả của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. So với năm 2020, ước tính diện tích trồng cây lâu năm của tỉnh trên 63.000 ha, tăng 4,2% so với năm 2020. Trong đó, diện tích cho sản phẩm trên 52.000 ha, tăng 4,4%. Sản lượng thu hoạch cây lâu năm trên 1,1 triệu tấn tăng 6,0 %.
Diện tích cây lâu năm tăng là do chuyển dịch từ đất lúa sang trồng cây lâu năm như cam sành, mít, sầu riêng, dừa,.. Cây lâu năm trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng phát triển nâng cao cả về số lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nông dân đã thực hiện tốt việc rải vụ đối với cây ăn trái nhằm tạo điều kiện tốt cho tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng có 788 trang trại chăn nuôi, tăng 85 trang trại so với năm 2020. Tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt góp phần ổn định sản xuất trên lĩnh vực chăn nuôi.
Trên lĩnh vực thuỷ sản, dù diện tích nuôi trồng có giảm khoảng 3,9% nhưng sản lượng cả năm vẫn đạt trên 131 nghìn tấn tăng trên 14%. Trong đó, nuôi trồng tăng trên 14% với sản lượng ước đạt trên 125 nghìn tấn. Nhất là hoạt động nuôi cá tra, đang dần phục hồi. Đến tháng 10/2021 giá cá tra đã tăng lên 24.000 đ/kg và hiện đqng ở mức 23.500đ/kg với mức giá này nuôi cá tra đã có lãi nên người nuôi đang tích cực tái sản xuất, diện tích đang nuôi cá tra thâm canh là 272,6 ha…
Theo ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, sang năm 2022 này, thực hiện các giải pháp từng bước thích nghi với dịch Covid-19 cũng như phục hồi sản xuất, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 2,5% so với năm 2021.
Tỉnh Vĩnh Long dự kiến diện tích sản xuất lúa cả năm 142.000 ha, cho sản lượng 884.000 tấn (tăng 7,1% so với năm 2021). Diện tích màu 58.820 ha, cho sản lượng trên 1,2 triệu tấn (tăng 9,9%). Diện tích cây lâu năm trên 64.000ha, cho sản lượng trên 1,2 triệu tấn (tăng 7%).
Tỉnh sẽ tập trung cơ cấu lại mùa vụ theo hướng khuyến khích giảm mạnh diện tích sản xuất lúa, tăng diện tích trồng màu, cây ăn trái. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu...