| Hotline: 0983.970.780

Phát triển bền vững ngành thuỷ sản nước ngọt ở Vĩnh Long

Thứ Sáu 19/11/2021 , 10:55 (GMT+7)

Vĩnh Long UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành kế hoạch dài hạn nhằm phát triển bền vững ngành thuỷ sản với mục tiêu đến năm 2025 đạt 2.360 ha diện tích nuôi trồng.

Ban hành kế hoạch phát triển bền vững ngành thuỷ sản

Thuỷ sản nước ngọt là một trong những thế mạnh của tỉnh Vĩnh Long với diện tích nuôi trồng lớn. Các chuyên gia đánh giá, tỉnh Vĩnh Long có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển nghề nuôi này. Đến nay, toàn tỉnh có gần 2.100 ha mặt nước đang nuôi thủy sản. Bên cạnh nuôi thủy sản trong ao, còn nuôi cá lồng bè trên sông Tiền, sông Cổ Chiên với 1.717 chiếc. Sản lượng năm 2020 đạt 128.500 tấn và ước khoảng 130.200 tấn năm 2021.

Đến nay, tỉnh Vĩnh Long có gần 2.100ha diện tích nuôi thuỷ sản. Ảnh: Minh Đảm.

Đến nay, tỉnh Vĩnh Long có gần 2.100ha diện tích nuôi thuỷ sản. Ảnh: Minh Đảm.

Tuy nhiên, gần đây nghề nuôi thủy sản, nhất là nuôi cá tra ở Vĩnh Long gặp nhiều khó khăn về đầu ra do thị trường xuất khẩu và môi trường nuôi. Các vùng nuôi tập trung, vùng nuôi cá tra xuất khẩu và  nuôi lồng bè đang tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bộc phát. Có thời điểm, tại các vùng nuôi tập trung ghi nhận tồn dư của các chất hữu cơ từ thức ăn, kháng sinh. Một số ao nuôi, lồng bè chưa quan tâm xử lý, thu gom chất thải, bùn đáy ao mà trực tiếp thải ra môi trường. Điều này đã tác động tiêu cực đến nguồn nước mặt và là yếu tố thuận lợi cho các mầm bệnh gây hại lây lan.

Mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021-2030 với kinh phí thực hiện gần 4 tỷ đồng. Triển khai kế hoạch này, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu đạt mục tiêu khống chế các bệnh ở cá tra nuôi. Bảo đảm diện tích bị bệnh thấp hơn 8% tổng diện tích nuôi và chủ động giám sát phát hiện, khống chế kịp thời một số bệnh nguy hiểm trên đối tượng thủy sản nuôi khác.

Ông Nguyễn Văn Liêm, PGĐ Sở NN-PTNT cho rằng để thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả cao, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến pháp luật về hoạt động nuôi trồng thủy sản, phòng chống dịch bệnh thủy sản đến các tổ chức, hộ sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực này. Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh với các bệnh nguy hiểm, bệnh trên cá tra nuôi như gan thận mủ, xuất huyết...

Cùng với công tác tuyên truyền, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản theo hình thức đồng bộ để hỗ trợ cho các cơ sở, hộ dân đầu tư nuôi thủy sản đạt hiệu quả. Ngoài ra, cần bảo vệ môi trường vùng nuôi cũng như đảm bảo cho nghề nuôi thủy sản có hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững. Từ lợi thế và tiềm năng sẵn có, định hướng tới tỉnh Vĩnh Long tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành thủy sản, nhân rộng các mô hình nuôi có hiệu quả, đa dạng hóa đối tượng nuôi, trong đó có các đối tượng thủy đặc sản trong mương vườn, ruộng lúa.

Nuôi cá điêu hồng trong bể lót bạt “nói không” với dịch bệnh

Không như các hộ nuôi cá điêu hồng lồng, bè thả ven sông Tiền, sông Cổ Chiên, anh Nguyễn Huy Hùng (36 tuổi) chọn cách nuôi loài cá này ở trên bờ trong ao lót bạt. Mô hình vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao mà không lo dịch bệnh.

Năm 2020, anh Hùng, chủ Trang trại nuôi cá công nghệ cao Nguyễn Huy Hùng ở ấp Phước Hanh B, xã Phước Hậu, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) được Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam đầu tư chuyển giao kỹ thuật từ con giống đến thức ăn để thực hiện nuôi cá điêu hồng trên 12 ao nổi lót bạt với tổng diện tích 5.000m2.

Ao nuôi có hình trụ tròn, chiều cao 1,2m, có đường kính từ 13-15,3m, thể tích chứa nước từ 100-180m3. Xung quanh ao được lót bằng tấm bạt nhựa PE và được kiềng bằng các thanh thép kiên cố. Đáng chú ý, anh Hùng có ứng dụng phần mềm điện thoại di động thông minh để kiểm soát quá trình nuôi. Nguồn nước trong ao được kiểm soát bằng máy đo chất lượng nước điều khiển bằng điện thoại di động.

Anh Hùng đã thả lứa cá đầu tiên trên 6 ao lớn từ giữa tháng 8/2020. Cuối tháng 4/2021, anh thu hoạch khả quan. Mỗi ao đạt năng suất khoảng 3,2-3,6 tấn, với giá bán 35.000 đ/kg cho doanh thu gần 130 triệu đồng, lãi hơn 11 triệu đồng. Anh Hùng đang chăm sóc lứa cá thứ hai thả nuôi trong 11 ao, dự kiến khoảng giữa tháng 11 này là thu hoạch. 

Ao nuôi cá điều hồng trên cạn của anh Hùng.  Ảnh: Minh Đảm.

Ao nuôi cá điều hồng trên cạn của anh Hùng.  Ảnh: Minh Đảm.

Theo anh Hùng, nuôi cá điêu hồng trong ao nổi lót bạt có một số ưu điểm hơn so với nuôi cá điêu hồng trong lồng, bè. Cụ thể, tỷ lệ hao hụt cá giống khi thả thấp hơn từ 15-20%, mật độ nuôi cao hơn (từ 6-10 con/m3. Cá ít bị dịch bệnh hơn do không chịu ảnh hưởng môi trường nước xung quanh như dòng chảy, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước.

Cá nuôi cũng không bị rủi ro do sóng tàu, dòng chảy làm thất thoát. Không sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi nên cho ra sản phẩm cá đạt chất lượng cao và an toàn vệ sinh thực phẩm. Một năm có thể sản xuất nhiều vụ nuôi, chủ động nguồn nguyên liệu lớn để đáp ứng theo yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, do nuôi theo công nghệ cao nên đòi hỏi kỹ thuật cao và vốn đầu tư lớn và điều quan trọng là phải liên kết với doanh nghiệp trong quá trình nuôi. 

Ông Nguyễn Văn Liêm, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long nhận xét: Mô hình nuôi cá điêu hồng trong bể lót bạt không sử dụng kháng sinh là bước tiến nhằm tạo ra sản phẩm nuôi cá có chất lượng cao, có truy xuất nguồn gốc rất thuận lợi đáp ứng yêu cầu phục vụ xuất khẩu. 

Kế hoạch đến năm 2025, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu có 2.360ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản. Trong đó, nuôi cá tra 485ha, lồng bè 1.800 chiếc, sản lượng 137.000 tấn. Giá trị sản xuất lĩnh vực thủy sản tăng bình quân 3-3,5%/năm.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.