Sẵn sàng cho Festival nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu 2025. Thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản hướng tới năm 2025. Xuất khẩu cá ngừ sang Bồ Đào Nha tăng trưởng ngoạn mục. Đồng Nai: Hơn 1.900 cơ sở chăn nuôi đã di dời ra khỏi khu đông dân cư.
Sáng nay, 16/12, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Họp báo giới thiệu Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025 “Hành trình 100 năm nghề muối - Đời người” với chủ đề: “Nâng tầm giá trị hạt muối Việt Nam”.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục Trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, muối Việt Nam hiện có tiềm năng lớn với 3.200 km bờ biển và hơn 11.000 ha sản xuất. Chính phủ Việt Nam cũng rất quan tâm đến nghề làm muối và xếp ngành nghề này vào danh mục 1 trong 7 ngành nghề nông thôn quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, sản lượng muối hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, ngành muối phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi như mất mùa, biến đổi khí hậu và sự thay đổi của thị trường. Do đó, để phát triển nghề muối bền vững cần có chiến lược phát triển đúng đắn, khai thác tiềm năng từ các sản phẩm muối đa dạng và tích hợp đa giá trị.
Festival nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 8/3/2025. Đây cũng sẽ là dấu mốc quan trọng, góp phần bảo tồn truyền thống, nâng cao giá trị hạt muối Việt và khẳng định vị thế của nghề muối ở thị trường trong nước và quốc tế. Báo Nông nghiệp Việt Nam là đơn vị bảo trợ thông tin cho sự kiện này.
Tin 2
THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU NÔNG LÂM THỦY SẢN HƯỚNG TỚI NĂM 2025
Trần Phi
Cũng trong sáng nay, tại TP.HCM, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thuộc Bộ NN & PTNT tổ chức hội nghị thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản, qua đó đánh giá tình hình thị trường và đề xuất các giải pháp cho năm 2025.
Phát biểu tại hội nghị, Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường, cho biết giá trị xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua, với các sản phẩm như gạo, cà phê, tôm, cá tra chiếm thị phần lớn tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn thiếu sự liên kết và tổ chức sản xuất bài bản, dẫn đến tình trạng chất lượng sản phẩm không đồng đều và khó kiểm soát.
Để khắc phục, các Bộ, ngành sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ và tổ chức sản xuất theo chuỗi. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại và mở cửa thị trường, đồng hành cùng doanh nghiệp và các địa phương để phát triển bền vững ngành nông sản.
Tin 3
XUẤT KHẨU CÁ NGỪ SANG BỒ ĐÀO NHA TĂNG TRƯỞNG NGOẠN MỤC
Quỳnh Anh khai thác
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, liên tục từ đầu năm các đơn hàng cá ngừ của Việt Nam được xuất sang Bồ Đào Nha và giá trị ngày càng cao hơn. Ước tính trong 11 tháng năm 2024, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này khoảng hơn 10 triệu USD, tăng 380% so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng liên quan tới nội dung này, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho biết, Bồ Đào Nha là quốc gia nằm ở phía Tây Nam châu Âu, tuy là một đất nước nhỏ với 10 triệu dân nhưng lại là cửa ngõ thông thương ra thế giới khi có vị trí địa chiến lược quan trọng nằm ở trung tâm tam giác châu Âu, châu Phi, và Mỹ La tinh. Chính vì thế những năm gần đây, các nhà nhập khẩu Bồ Đào Nha đang gia tăng nhập khẩu thông qua các cảng của nước này. Việc Việt Nam gia tăng xuất khẩu cá ngừ sang Bồ Đào Nha không chỉ là hướng tới thị trường của đất nước này mà còn là cả thị trường châu Âu và châu Phi.
Tin 4
ĐỒNG NAI: HƠN 1.900 CƠ SỞ ĐÃ DI DỜI RA KHỎI KHU ĐÔNG DÂN CƯ
Quỳnh Anh khai thác
Theo thông tin mới nhất từ Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, đến cuối tháng 11 năm nay, toàn tỉnh có 1.979 cơ sở đã ngưng chăn nuôi hoặc di dời theo lộ trình đến hết ngày 31/12/2024. Trong đó, có đến 1.971 cơ sở ngừng chăn nuôi, còn lại là số ít cơ sở di dời từ khu dân cư vào các khu vườn rẫy xa khu dân cư để tiếp tục hoạt động chăn nuôi theo quy mô nông hộ. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, việc số lượng gia súc giảm so với cùng kỳ là do tỉnh đang có chủ trương di dời hàng ngàn cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư và các khu vực không phù hợp quy hoạch. Ngoài ra, dịch tả heo châu Phi cũng gây thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt là đối với các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, dẫn đến nhiều hộ phải ngừng chăn nuôi.