Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề và chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho 14.955 lượt người; tiếp nhận đăng ký tìm việc làm của 1.676 người lao động; giới thiệu việc làm cho hơn 1.090 lượt người lao động và cung ứng 451 lao động cho người sử dụng lao động, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 5.900 người.
Các chính sách hỗ trợ lao động việc làm được thực hiện nghiêm túc, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phê duyệt cho 1.486 lao động vay hơn 97 tỉ đồng để tự tạo việc làm tại chỗ và 51 lao động được vay gần 6 tỉ đồng để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trung tâm đã ban hành quyết định hỗ trợ một số chi phí đi làm việc ở nước ngoài cho 207 người đủ điều kiện hỗ trợ, với số tiền hỗ trợ hơn 2,5 tỉ đồng đồng.
Đồng thời, Trung tâm cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp; phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc triển khai việc chi trả hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo phương thức không dùng tiền mặt.
Đến nay, 100% các đối tượng hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đều được chi trả qua tài khoản cá nhân. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc cũng thực hiện chi trả hỗ trợ cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh theo hình thức không dùng tiền mặt.
Riêng trong quý I/2023, Trung tâm tiếp nhận 2.203 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp, có 1.533 trường hợp đã có quyết định thụ hưởng với tổng số tiền chi trả trên 31,7 tỉ đồng, gồm cả kinh phí hỗ trợ học nghề cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tất cả các trường hợp được hỗ trợ đều thực hiện chi trả theo hình thức chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, không dùng tiền mặt.
Khẳng định vai trò quan trọng trong kết nối người lao động và doanh nghiệp, những năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực phối hợp với các địa phương trong và ngoài tỉnh thực hiện công tác điều tra, khảo sát, nắm bắt số lao động thất nghiệp, tình hình nguồn “cung” lao động ở từng địa phương để triển khai các biện pháp tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.
Với những kết quả đạt được, Trung tâm đã trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động, góp phần thực hiện “mục tiêu kép”, vừa giúp doanh nghiệp tuyển dụng được lao động để ổn định sản xuất, vừa giúp người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm.
Theo lãnh đạo Trung tâm, những tháng đầu năm, các doanh nghiệp không chỉ tuyển lao động phổ thông mà còn có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhân viên văn phòng tại các vị trí như quản lý nhân sự, kế toán, tài chính…Bên cạnh việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm, Trung tâm cũng đẩy mạnh thông tin 2 chiều để tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động.
Để đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp và nâng cao chất lượng lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình lao động, việc làm và quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, kịp thời có những biện pháp kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động; hợp tác dịch vụ việc làm cũng như kết nối trực tiếp doanh nghiệp cung ứng và đơn vị cần tuyển lao động.
Năm 2022 có 11.000 người người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc. Trong đó, 10.584 người đã có quyết định thụ hưởng. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã chi trả tổng số tiền trên 212,7 tỉ đồng, gồm cả kinh phí hỗ trợ học nghề cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.