Vợ chông họa sĩ Đặng Thị Thu An (sinh năm 1983) và Nguyễn Đức Huy (sinh năm 1976) học chung với nhau ở Trường Đại học Nghệ thuật Huế. Vợ chồng họa sĩ Đặng Thị Thu An và Nguyễn Đức Huy đã tìm thấy nhau trong cuộc đời và trong mỹ thuật.
Trong ngôi nhà ở ngoại ô thành phố Huế của vợ chồng họa sĩ Đặng Thị Thu An - Nguyễn Đức Huy, tầng trên cùng là nơi họ cùng nhau vẽ tranh,
Triển lãm “An & Huy” tại Hakio - Let’s Art (38 Trần Cao Vân, Q.3, TP.HCM) là một cái tên mà ghép lại, ý nghĩa là cùng bình yên trong tình yêu và cùng tỏa sáng. Triển lãm “An & Huy” giới thiệu 60 tác phẩm, trong đó 34 bức tranh có chủ đề “Hương thời gian” của họa sĩ Đặng Thị Thu An sáng tác, và 26 bức tranh có chủ đề “Ánh sáng” của họa sĩ Nguyễn Đức Huy.
Thông thường, sống và làm việc trong cùng một môi trường, các họa sĩ sẽ có ảnh hưởng lẫn nhau, đừng nói chi đó lại là vợ chồng. Định mệnh gắn bó hơn nữa, đôi uyên ương Đặng Thị Thu An và Nguyễn Đức Huy lại cùng sinh ra tại quê hương Đồng Hới, có nghĩa là từ thuở “chưa biết gì” họ đã hít thở chung một bầu không khí, ngụp lặn chung dòng sông quê, và sau đó bước song hành cùng nhau trên con đường sáng tạo cũng như giáo dục nghệ thuật.
Với ngần ấy điểm chung, vậy mà vợ chồng họa sĩ Đặng Thị Thu An và Nguyễn Đức Huy chỉ có chung với nhau một cuộc triển lãm “Men đàn bà” vào năm 2017 tại Hà Nội. Đây là lần thứ hai, đôi uyên ương cùng nhau chắp cánh cho một cuộc triển lãm chung mang tên “An &Huy”
Khác với những ảnh hưởng tương đồng của đôi phu thê trong cuộc đồng triển lãm lần trước, các tác phẩm tại “An & Huy” thể hiện dấu ấn sáng tạo cá nhân hoàn toàn khác nhau của hai tâm hồn nghệ sĩ, dệt nên những cung bậc bất ngờ cho bản giao hưởng hoan ca sắc màu.
Họa sĩ Đặng Thị Thu An chia sẻ: “Trong hầu hết các tác phẩm của tôi, hình tượng người phụ nữ toát lên một vẻ đẹp rất riêng rất cá tính và cũng rất sinh động, đa sắc thái, diện mạo. Các tác phẩm của tôi tập trung vào biểu cảm thế giới nội tâm chứ không chỉ cố thể hiện vẻ đẹp dịu dàng tha thướt của các nàng trong trang phục áo dài, hay những dáng ngồi, đứng yểu điệu gợi cảm”.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phan Thanh Bình ở Trường Đại học Nghệ thuật Huế nhận định về triển lãm “An & Huy” tại TP.HCM: “Sự kết hợp tính lãng mạn trữ tình hiện đại của Đặng Thị Thu An với nét bồng bềnh tư lự của Nguyễn Đức Huy tạo cho những sáng tác của cặp đôi thực ngoài đời này thêm chất lý tưởng và sự gắn kết thẩm mỹ đặc sắc. Đó là điều không phải cứ muốn là có được mà nó chỉ có thể hình thành và khởi phát từ sự đồng cảm, chia sẻ và gắn kết nghề rất chuyên nghiệp và lâu năm của họ.
Trong sáng tạo nghệ thuật, đôi khi sự hòa hợp giữa những nghệ sĩ lại là một giá trị vì nếu thiếu chúng sẽ dường như thiếu tất cả. Cảm nhận điều này sẽ rõ hơn khi ta nhìn ngắm bộ tranh “Hương thời gian”, với sắc màu sơn dầu được Đặng Thị Thu An chọn đưa vào tranh những hình ảnh trang trí chim phụng cung đình Huế, hoa văn hoa lá dây thời Nguyễn một cách đầy ý tứ và có tính đến một cách tinh tế về hiệu quả thẩm mỹ. Tạo nên một cảm giác thiếu nữ và hoa, với hoa sen, hoa hồng, hoa lá, con bướm tưởng như vu vơ nhưng đó là nét duyên tình về phụ nữ mà Đặng Thị Thu An muốn nói đến”.
Với góc nhìn khác, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi đánh giá: “Sự rực rỡ huy hoàng trong tranh của Đặng Thị Thu An trái ngược với các tác phẩm của Nguyễn Đức Huy, ẩn chứa trầm tư và triết lý. Thế giới của Nguyễn Đức Huy vang dội những tiếng nói thầm kín chênh vênh giữa phạm trù ý thức và khái niệm, là bước vào những giấc mơ chập chờn giữa hiện hữu và vô minh…
Đây chính là cuộc đối thoại im lặng với cảm xúc của chính mình, chân thật đến nỗi qua từng đường tế bào nhỏ nhất để đạt được ánh sánh chân minh. Quả nhiên, chuỗi tranh của Nguyễn Đức Huy ngập tràn ánh sáng”.