Họa sĩ Đoàn Quốc sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM, đã nhanh chóng được giới mỹ thuật đánh giá cao về tài năng. Họa sĩ Đoàn Quốc ở tuổi 26 mở triển lãm cá nhân “Như một hoài niệm” từ 5/6 đến 13/6 tại May Artspace - TP.HCM, thực sự là một hiện tượng đáng chú ý.
Toàn bộ tác phẩm trưng bày ở “Như một hoài niệm” của họa sĩ Đoàn Quốc, đều được bán hết trước khi bế mạc triển lãm.
Thế nhưng, oái oăm thay, khi họa sĩ Đoàn Quốc còn đang ngất ngay với dư âm “Như một hoài niệm” thì nhận được thư luật sư. Được sự ủy nhiệm của ông Nguyễn Phùng Minh Luân, công ty luật Lê & Trần đã có văn bản cho rằng, bức tranh “Góc khuê phòng” trong triển lãm “Như một hoài niệm” của họa sĩ Đoàn Quốc đã lấy ý tưởng từ đoạn phim trong dự án “Cố du”.
Lần đầu tiên bức tranh bị tố cáo “đạo” từ đoạn phim. “Cố du” là một dự án không mấy nổi tiếng, do ông Nguyễn Phùng Minh Luân thực hiện. Dự án “Cố du” có một đoạn phim được ra mắt vào năm 2020, tái hiện cuộc sống của tầng lớp quý tộc Việt Nam dưới thời Nguyễn.
Có lẽ hơi nao núng, họa sĩ Đoàn Quốc đã vội vàng thừa nhận với truyền thông, như sau: “Trong bộ tranh “Như một hoài niệm”, tôi có sử dụng, tham khảo tư liệu để nghiên cứu về văn hóa của người Việt xưa về cách bài trí, sắp đặt kiến trúc. Tôi dựa vào đó làm cảm hứng để đưa câu chuyện của mình vào. Đã có lần tôi tình cờ xem được đoạn phim đó và tham khảo.
Tuy nhiên, khi đưa lên tác phẩm, tôi xây dựng cho nó một câu chuyện khác. "Cố du" tập trung khắc họa người phụ nữ trong phim, còn tôi sử dụng tư liệu kiến trúc để thể hiện văn hóa xưa. Tôi đã thay đổi ánh sáng, đồ vật bên trong. Nhưng tôi xác nhận rằng tôi có ảnh hưởng và có tham khảo. Tôi có lỗi vì chưa xin phép”.
Tuy nhiên, nhà phê bình mỹ thuật Lý Đợi với tư cách giám tuyển của triển lãm “Như một hoài niệm” hoàn toàn bác bỏ mọi cáo buộc mà công ty luật Lê & Trần nêu ra.
Trong phản hồi gửi cho công ty luật Lê & Trần, nhà phê bình mỹ thuật Lý Đợi phân tích: “Trích một hình ảnh chuyển động (trong phim) để so với một hình ảnh tĩnh (tranh vẽ ) đã là việc làm rất khó khăn, vì quá khác nhau. Trong khi 2 bức hình này chỉ giống nhau ở cái cửa sổ và vài chi tiết khác, mà mấy cái giống này đã là hình ảnh trong dân gian rồi, nghĩa các nhà cổ ở Trung bộ, Nam bộ và Bắc bộ đều thấy đầy, đã hết bản quyền khai thác từ lâu. Nó đâu phải hình ảnh riêng do đoàn phim sáng tạo riêng ra như các tạo hình trong phim Avatar, Tây du ký, hoặc các phim của Marvel...
Phải hiểu rằng cái cửa sổ, cái tủ, cái bàn... như trong phim và trong tranh này thì cũng giống như cái chùa Một Cột, phố Hội An, chợ Bến Thành… mà thôi. Đoàn phim đưa nhân vật vào đó quay, nếu không vi phạm bản quyền, thì các nơi khác, việc - trong đó có họa sĩ, tranh vẽ - cũng tương tự như vậy thôi. Chúng ta không thể độc quyền các hình ảnh đã mang tính cổ điển, phổ quát hoặc dân gian như cái cửa sổ, bộ bàn, cái tủ... ấy được.
Cho nên, hai tác phẩm này đều lấy cảm hứng về hoài niệm, mỗi bên một cách khai thác khác nhau, nên giống nhau là rất ít”.
Khiếu nại lấy ý tưởng từ đoạn phim để vẽ tranh, thực sự là câu chuyện chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam. Đúng sai chưa rõ, nhưng dự án “Cố du” bỗng được được chú ý.
Thông tin mới nhất, họa sĩ Đoàn Quốc và giám tuyển triển lãm “Như một hoài niệm” thống nhất chọn lựa đưa vụ việc giải quyết ở tòa án dân sự. Nhà phê bình mỹ thuật Lý Đợi nhấn mạnh với công ty luật Lê & Trần: “Muốn biết chúng tôi có vi phạm hay không, hoặc chúng tôi đang bị các ông vu khống, tống tiền hoặc bị bôi nhọ danh dự, cứ ra tòa sẽ biết”.