Vở kịch “Chén thuốc độc” của nhà viết kịch Vũ Đình Long (1896 - 1960) dài 3 hồi, được công diễn lần đầu tiên vào ngày 22/10/2021 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, kỷ niệm 100 năm kịch nói xuất hiện tại Việt Nam.
Nhà viết kịch Vũ Đình Long được xác định là cha đẻ của kịch nói nước ta. Sau vở kịch “Chén thuốc độc”, nhà viết kịch Vũ Đình Long tiếp tục có những tác phẩm như “Tây Sương tân kịch” vào năm 1922, “Tòa án lương tâm” vào năm 1923 và “Đàn bà mới” vào năm 1943.
Nhà viết kịch Vũ Đình Long quê ở Cao Dương, Thanh Oai, Hà Nội. Ông là chủ nhân của nhà in Tân Dân và các ấn phẩm nổi tiếng như “Tiểu thuyết thứ bảy”, “Tao đàn”, “Phổ thông bán nguyệt san”… Nhà viết kịch Vũ Đình Long sáng tác vở kịch “Chén thuốc độc” khi đang dạy học ở Hà Đông, và đăng trên tạp chí Hữu Thanh do Tản Đà làm chủ bút.
Vở kịch “Chén thuốc độc” nói về gia đình thầy Thông Thu - một công chức khá giả. Thầy Thông Thu mê hát xướng, còn bà vợ thích buôn thần bán thánh. Chính sự phóng túng ấy đẩy họ vào rạn nứt và nợ nần. Trong cơn túng quẫn, thầy Thông Thu định uống thuốc độc tự tử thì nhận được sự tương cứu của người em lưu lạc. Món quà ấy giúp thầy Thông Thu được thoát hiểm và tỉnh ngộ.
Dựng lại tác phẩm “Chén thuốc độc” ra đời từ 100 năm trước, Nhà hát Kịch Tuổi Trẻ quy tụ một dàn diễn viên gạo cội tham gia, gồm Lê Khanh, Việt Thắng, Trung Hiếu, Trịnh Mai Nguyên, Hoài Thu, Quang Thắng, Vân Dung... Đảm nhận vai trò đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Như Lai chia sẻ: “Chúng tôi quyết định lựa chọn sân khấu của Nhà hát Kịch Việt Nam vì đây là sân khấu tiên phong, khởi xướng, là nền móng cho kịch nói Việt Nam. Tôi tin tất cả chúng ta đều cảm thấy tự hào khi được là một phần trong vở diễn đánh dấu mốc 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam lần này”.
Dự kiến, vở kịch “Chén thuốc độc” sẽ được dàn dựng trong 3 tuần và ra mắt tại Nhà hát Lớn Hà Nội đúng dịp kỷ niệm 100 năm nhà viết kịch Vũ Đình Linh công bố tác phẩm với gửi gắm: “Thanh niên ta ưa xem chiếu bóng hơn xem kịch. Trong những cuộc đàm luận, tôi cũng thường được nghe người ta nói chiếu bóng sẽ giết chết kịch, thế nhưng theo ý tôi thì kịch nói vẫn có cái hay riêng”.