Đang bị ông Hiền kiện ra tòa nhưng nhà bà Liễu vẫn xây dựng |
Theo hồ sơ ông Lâm Văn Hiền (SN 1947, ngụ số 207 Hoàng Văn Thụ, phường 3, TP Bạc Liêu) cung cấp, nguồn gốc đất gia đình ông đang ở là mua lại nhà tập thể của Xí nghiệp in Trần Ngọc Hy do Văn phòng Tỉnh ủy Bạc Liêu bán đấu giá theo GCNQSDĐ số C145001 với 239,07 m2, mặt tiền giáp đường Hoàng Văn Thụ chiều ngang 10m, cấp ngày 24/6/1994 (trước và sau khi chuyển tên vẫn giữ nguyên số liệu).
Sau đó, ông Hiền cho xây dựng lại nhà mới trên đất này. Đồng thời, chừa ra 0,45m phần trước và 0,12m phần sau, chạy dài hết phần đất để làm cống thoát nước và trổ cửa sổ để lấy gió, ánh sáng cho ngôi nhà. Tuy nhiên, đầu tháng 7/2018, thấy bà Trần Thị Liễu đào móng xây nhà (quy mô 3 tầng) ngay trên cống thoát nước nhà mình, ông Hiền ra ngăn cản mới biết cơ quan chức năng đã cấp quyền sử dụng đất cho hàng xóm chồng lấn lên đất của mình.
Cụ thể, người đầu tiên đứng tên quyền sở hữu phần đất mà bà Liễu đang sử dụng là của ông Lao Anh Tuấn được cơ quan chức năng cấp sổ đỏ với 141m2, chiều ngang giáp đường Hoàng Văn Thụ là 4,1m. Khi ông Tuấn chuyển nhượng cho bà Trương Thị Ngọc Đoàn thì sổ đỏ của bà Đoàn lại tăng lên 146,8m2, chiều ngang mặt tiền giáp đường Hoàng Văn Thụ 4,7m (tăng 0,6m). Phần đất này tiếp tục chuyển tên cho ông Quách Trọng Đạt, rồi đến bà Liễu.
Như vậy, sỏ đỏ của bà Liễu (người đang tranh chấp ranh đất với ông Hiền) sau qua 3 lần chuyển nhượng, tặng cho thì tăng về diện tích và nằm chồng lên phần đất thuộc sở hữu của ông Hiền. Ông Hiền bức xúc cho biết: “Tôi đã xây lại nhà mới và chừa vài tấc đất để làm đường cống thoát nước. Không thể có chuyện tôi xây đường cống thoát nước trên đất người khác mà họ để yên gần 20 năm. Khi thấy nhà bà Liễu đập phá đường thoát nước, tôi qua nói chuyện thì bị người nhà bà xua đuổi và dọa đánh”.
Tại biên bản hòa giải ngày 15/8/2018 do UBND phường 3, TP Bạc Liêu lập, đại diện Phòng TN- MT TP Bạc Liêu cũng xác nhận: “Nhà bà Liễu trước đây sổ đỏ của chủ cũ có chiều ngang 4,2m nhưng sau được cấp sổ với chiều ngang 4,7m có thể có sai sót về mặt kỹ thuật”. Trước đó, UBND phường 3 cũng cử cán bộ xuống đo thực tế đất của ông Hiền. Tính luôn phần mương thoát nước thì đúng với diện tích trong sổ đỏ, trong khi diện tích ghi trong sổ đỏ của bà Liễu cũng có cả phần mương cống thoát nước của ông Hiền. Tức là 2 sổ đỏ chồng lên nhau.
“Một bên không có biến động về diện tích, một bên biến động tăng về diện tích mà chồng lấn lên nhau thì không phải phân tích nhiều cũng thấy rõ bản chất sự việc rồi. Vậy mà nhiều cơ quan chức năng không xử lý được, tôi mới phải khởi kiện ra tòa án giải quyết”, ông Hiền ngao ngán.
Cần giữ nguyên hiện trạng!
Quá bức xúc trước việc làm của bà Liễu, ngày 28/8/2018, ông Hiền gửi đơn yêu cầu TAND TP Bạc Liêu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, giữ nguyên hiện trạng chờ tòa giải quyết. Tuy nhiên, bà Liễu vẫn tiếp tục thi công gây ách tắc đường thoát nước mưa và nước sinh hoạt nhà ông Hiền.
Về phía TAND TP Bạc Liêu, sau khi nhận đơn của ông Hiền đã quá 3 ngày theo quy định thì ngày 5/9/2018, thẩm phán Trần Duy Khánh mới ra quyết định “Buộc thực hiện biện pháp bảo đảm”, buộc ông Hiền phải gửi tài sản đảm bảo có giá trị 100 triệu đồng tại Viettinbank Bạc Liêu.
Đến ngày 6/9/2018, ông Hiền đã thực hiện theo quyết định của tòa. Thế nhưng, điều đáng nói là trong cùng ngày, thẩm phán Khánh lại ra thông báo số 01/2018/TB-TA về không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, với lý do bà Liễu xây nhà đúng với giấy phép, không vượt quá diện tích đất được cấp và cam kết chịu mọi thiệt hại, tự nguyện tháo dỡ nếu tòa tuyên bà Liễu thua kiện.
Ông Hiền bức xúc cho biết: “Mặc dù thẩm phán giải quyết chậm trễ hơn so với quy định nhưng tôi đã thực hiện mọi yêu cầu và nghĩa vụ theo quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm của thẩm phán. Tôi vẫn biết kết quả đúng sai phải chờ phán quyết cuối cùng, song việc thẩm phán chỉ xét quyền lợi của bị đơn mà không xét tới quyền lợi của nguyên đơn để ra thông báo không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là không thể chấp nhận được”.
Ngoài ra, tại khoản 8, điều 114, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định các biện pháp khẩn cấp tạm thời thì “Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp”. Như vậy, việc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa trong trường hợp này là chưa hợp lý và vi phạm luật tố tụng. Với những tình tiết trên, dư luận đang đặt ra câu hỏi có hay không việc cơ quan tố tụng không làm đúng quy định của pháp luật?