Các sản phẩm phân bón bên trong kho bị niêm phong của Thuận Phong
Tuy nhiên, việc lấy mẫu thất bại do toàn bộ sản phẩm trong kho đã bị hư hỏng, biến dạng sau hơn 8 tháng bị niêm phong, không được bảo quản đúng cách.
Cơ sở pháp lý nào?
Thời điểm trên, đoàn công tác thực hiện việc lấy mẫu của tỉnh Đồng Nai gồm Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46), Viện Kiểm sát, đại diện đoàn công tác liên ngành 389, Thanh tra Sở NN-PTNT và Chi cục Quản lý thị trường. Đại diện đơn vị kho K888, Cục Quân khí, Bộ Quốc phòng cũng có mặt để chứng kiến.
Mặc dù vẫn có mặt, thực hiện các yêu cầu của cơ quan chức năng, nhưng ông Khiếu Mạnh Tường, TGĐ Thuận Phong cho rằng không đủ cơ sở pháp lý cho việc lấy mẫu giám định chất lượng lại.
Lý do: “Việc lấy mẫu đã tiến hành nhiều lần, kết quả cho thấy, không có sản phẩm nào của Thuận Phong là giả chất lượng, cơ quan CSĐT công an tỉnh Đồng Nai cũng đã có báo cáo kết quả điều tra và kết luận không đủ yếu tố cấu thành tội sản xuất hàng giả là phân bón. Chúng tôi không hiểu cơ sở nào để lấy mẫu giám định lại?
Công văn của cơ quan công an gửi chúng tôi cũng chỉ thông báo việc sẽ tiến hành lấy mẫu lại chứ không hề nêu lý do. Từ gần 9 tháng nay, toàn bộ sản phẩm trong kho bị niêm phong và không được bảo quản như vậy, lấy mẫu liệu có chính xác?
Nếu tiến hành lấy mẫu lại, thời gian để xử lý dứt điểm vụ việc sẽ kéo dài thêm, Thuận Phong có nguy cơ phá sản, cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc này?
Chúng tôi liên tục gửi văn bản kiến nghị đến các cơ quan chức năng, từ TW đến địa phương về cơ sở pháp lý và tính khách quan trong việc lấy mẫu giám định lại trong điều kiện hàng hóa đã bị niêm phong không người quản lý, không bảo quản từ hơn 8 tháng nay, nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào”.
Trong biên bản ghi nhận ý kiến các bên trước khi tiến hành lấy mẫu, đại diện cơ quan Cảnh sát điều tra (PC46) Đồng Nai nêu: “Theo chỉ đạo của C46, C44, Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, C46 Đồng Nai tiến hành lấy mẫu để trưng cầu giám định về nhãn hiệu, nhãn hàng, nguồn gốc xuất xứ và chất lượng hàng hóa đối với 7 loại phân bón nhập khẩu dạng nước.
“Đã rất nhiều lần chúng tôi kêu cứu, nhưng đáp lại chỉ là sự im lặng. Đến giờ tôi cũng không biết chính xác là cơ quan cụ thể nào chịu trách nhiệm về việc niêm phong này. Chỉ chung chung là cơ quan chức năng. Vụ việc vẫn đang dậm chân tại chỗ, hệ quả ngày càng nghiêm trọng, nguy cơ cháy nổ là rất cao.” - Ông Khiếu Mạnh Tường, TGĐ Cty Thuận Phong |
Riêng đối với 29 sản phẩm phân bón do Cty Thuận Phong sản xuất, cơ quan chức năng đã thu mẫu phân tích lần 2 theo thủ tục hành chính, nay cơ quan điều tra tiến hành thu mẫu để phân tích lại theo thủ tục tố tụng hình sự, phục vụ công tác giám định tư pháp”.
Thiệt hại hàng chục tỷ đồng
Sau khi ghi nhận ý kiến các bên xong, đoàn công tác tiến hành mở niêm phong. Ngay khi cánh cửa được mở, một luồng không khí nóng hầm hập, cay nồng bởi các loại hóa chất, phân bón hòa trộn, tràn ra như cơn lốc, quất thẳng vào mặt khiến nhiều người vội vàng nhắm mắt, che mặt.
Khi ánh sáng ùa vào khu nhà xưởng, trước mắt đoàn công tác, những bao phân chất thành từng khu đã mục nát, phân bên trong bao rơi vãi tung tóe dưới nền.
Đoàn kiểm tra đến từng khu vực chứa hàng để lấy mẫu, nhưng các sản phẩm đã bị đổi màu, biến dạng và đóng thành từng tảng cứng, một số hết hạn sử dụng. Trong biên bản ghi nhận hiện trường lấy mẫu, toàn bộ 37 mẫu phân bón dự kiến lấy mẫu đều ghi: “Hư hỏng, biến dạng, vón cục, đổi màu, hết hạn sử dụng…”.
Ngoài ra, toàn bộ máy móc, thiết bị, trong đó có những thiết bị trị giá vài tỷ đồng, được Cty Thuận Phong nhập về, chưa kịp vận hành lần nào, nay cũng đều bị rỉ sét, trở thành đống phế liệu.
Hiện trạng các máy móc, thiết bị bên trong nhà xưởng của Thuận Phong sau gần 9 tháng bị niêm phong
“Việc niêm phong hóa chất, phân bón trong điều kiện toàn bộ kho chứa đóng kín, mái, vách bằng tôn, nhiệt độ ban ngày lên đến hơn 50oC như vậy sẽ tạo phản ứng sinh, hóa trong nhiệt độ cao, nguy cơ hỏa hoạn là cực kỳ lớn sẽ gây thiệt hại tới tính mạng, tài sản và an toàn xã hội. Hiện nay, toàn bộ kho hàng, rồi máy móc, thiết bị trị giá hàng chục tỷ đồng của chúng tôi đã trở thành phế thải. Không chỉ thiệt hại cho doanh nghiệp, mà còn hàng trăm con người đang mất việc…”, ông Khiếu Mạnh Tường nói.
Có mặt để chứng kiến việc lấy mẫu của cơ quan chức năng, thượng tá Mai Ngọc Phương, chỉ huy phó đơn vị K888 nói: “Từ tháng 10/2015 đến nay, Cty Thuận Phong đã bàn giao lại mặt bằng khu vực đã thuê cho đơn vị, trong đó có kho hàng, nguyên liệu theo yêu cầu và không có bất cứ hoạt động nào tại đây. Chúng tôi tiếp quản, nhưng cũng chỉ quản lý bên ngoài chứ không có trách nhiệm gì với tài sản bên trong.
Theo quan điểm cá nhân, tôi thấy trong điều kiện bảo quản như thế này, đến cao su cũng biến chất chứ đừng nói các sản phẩm cần chế độ bảo quản nghiêm ngặt như phân bón. Ở trong kho kín như vậy, nhiệt độ có thể lên đến 50 - 60oC chứ không ít. Với điều kiện bảo quản thế này, việc sản phẩm hư hỏng, thiệt hại lớn đã đành, nguy cơ cháy nổ cũng rất cao”.
Một số hình ảnh bên trong kho nhà xưởng Cty Thuận Phong:
Cơ quan chức năng lấy mẫu
Các sản phẩm phân bón bên trong kho bị niêm phong của Thuận Phong
Hiện trạng các máy móc, thiết bị bên trong nhà xưởng của Thuận Phong sau gần 9 tháng bị niêm phong