| Hotline: 0983.970.780

Vụ Đông Xuân trọn vẹn nhờ chủ động ứng phó hạn mặn

Thứ Bảy 15/05/2021 , 07:54 (GMT+7)

Mùa khô 2020-2021, nguồn nước về ĐBSCL thấp, hạn mặn sớm và kéo dài. Tuy nhiên, nhờ chủ động ứng phó với hạn mặn, nên vụ Đông Xuân vẫn thành công trọn vẹn.

Đưa lúa Đông Xuân về kho. Ảnh: Trần Trung.

Đưa lúa Đông Xuân về kho. Ảnh: Trần Trung.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, mùa khô 2020-2021, nước về thấp ngay từ đầu mùa khô, mặn bất thường xảy ra sớm ngay từ các tháng đầu mùa khô và kéo dài tới tháng 5/2021. Như vậy, đây cũng là một trong những mùa khô khắc nghiệt ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Trong bối cảnh bất lợi như vậy, vụ Đông Xuân 2020-2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đạt thành công một cách trọn vẹn, không chỉ về năng suất, sản lượng mà còn cả trong việc bảo toàn được sản xuất.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, vụ Đông Xuân 2020-2021 các tỉnh ĐBSCL đã xuống 1,519 triệu ha lúa. Diện tích gieo trồng lớn như vậy mà khi kết thúc vụ, gần như không có thiệt hại do hạn mặn. Nguyên nhân hàng đầu là sự chủ động của Bộ NN-PTNT, chính quyền các tỉnh và nông dân ĐBSCL trong việc ứng phó với nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo đó, ngay từ trước khi triển khai vụ Đông Xuân 2020-2021, Cục Trồng trọt và các cơ quan chuyên môn, các Sở NN-PTNT, đã dựa vào bản đồ thích ứng với rủi ro hạn mặn, thống kê diện tích có khả năng ảnh hưởng của hạn và xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển và điều tiết thời vụ xuống giống trong toàn vùng. Qua đó, đã xác định phạm vi chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn đến lúa Đông Xuân ở vùng ven biển ĐBSCL.

Xác định địa bàn ảnh hưởng mặn gồm: Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa, Cần Đước, Cần Giuộc, Thạnh Hóa và Tp. Tân An (Long An); Gò Công Đông, Gò Công Tây, Thị xã Gò Công, Chợ Gạo, Tân Phú đông (Tiền Giang); Ba Tri, Bình Đại (Bến Tre); Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần, Châu Thành (Trà Vinh); Mỹ Xuyên, Long Phú, Thạnh Trị, Ngã Năm (Sóc Trăng); Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long (Bạc Liêu); Vĩnh Thuận, An Biên, Hòn Đất, Giang Thành (Kiên Giang), Trần Văn Thời (Cà Mau) và các huyện Long Mỹ, Vị Thủy, Ngã Bảy, Vị Thanh (Hậu Giang).

Dựa vào những cơ sở nói trên, Cục Trồng trọt và các tỉnh ĐBSCL đã xây dựng các kịch bản cụ thể, chi tiết, phù hợp thực tiễn cho từng địa bàn sản xuất bao gồm cây ăn trái, cây lúa và hoa màu. Bố trí diện tích sản xuất linh hoạt theo dự báo nguồn nước; chuyển đổi cây trồng phù hợp; xuống giống sớm hơn 20-30 ngày; sử dụng giống lúa ngắn ngày, cực ngắn ngày và một số giống chịu hạn, mặn.

Lúa chín ở huyện Tân Trụ, Long An. Ảnh: Trần Trung.

Lúa chín ở huyện Tân Trụ, Long An. Ảnh: Trần Trung.

Các Sở NN-PTNT ở ĐBSCL đã xây dựng và triển khai chi tiết kế hoạch sản xuất trồng trọt vụ Đông Xuân 2020-2021 trong tình hình hạn mặn, xây dựng các phương án và huy động lực lượng ứng phó khi có các tình trạng tiêu cực xảy ra đối với sản xuất.

Phương châm sản xuất an toàn đã được các Sở chú trọng bên cạnh việc linh hoạt triển khai các giải pháp phục vụ sản xuất một cách đồng bộ, kiên quyết, không để xảy ra tình trạng thiệt hại do chủ quan đối với tình hình hạn mặn.

Các Sở đã thường xuyên kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của Bộ, ngành để kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra trong sản xuất.

Bên cạnh đó, việc phát huy hiệu quả các công trình và hệ thống thủy lợi, đẩy nhanh tiến độ thi công, khai thác sử dụng sớm một số công trình trọng điểm phục vụ sản xuất và dân sinh cũng đã góp phần không nhỏ cho sản xuất lúa và các loại cây trồng khác ở ĐBSCL trong vụ Đông Xuân 2020-2021.

Đặc biệt, một số tỉnh ven biển ĐBSCL đã ứng dụng bản đồ nguy cơ rủi ro thiên tai và kế hoạch thích ứng trong sản xuất lúa như Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng..., qua đó, giúp nông dân xuống giống theo lịch khuyến cáo và xuống giống đồng loạt, tập trung hơn trên từng cánh đồng...

Một số tỉnh đã thử nghiệm mô hình truyền thông bằng bản tin thời tiết nông vụ trước khi xuống giống tại 3 xã chịu ảnh hưởng sớm nhất khi hạn hán và xâm nhập mặn gây ra như Tân Phước (Gò Công Đông, Tiền Giang); An Mỹ ( Kế Sách, Sóc Trăng) và Hòa Chánh (U Minh Thượng, Kiên Giang). Mô hình thử nghiệm tại địa bàn xã được bà con nông dân đồng tình và Bản tin thời tiết nông vụ cũng phát huy tốt tác dụng, giúp nông dân xuống giống theo lịch khuyến cáo, sử dụng giống theo khuyến cáo từng vùng...

Sự đồng hành của cơ quan truyền thông trong công tác thông tin, cảnh báo, khuyến cáo; sự tham gia và chấp hành tốt của nông dân trong việc thực hiện lịch thời vụ, tuân thủ các hướng dẫn sản xuất, ứng phó hạn, mặn của chính quyền và cơ quan chuyên môn, cũng là những nguyên nhân góp phần giúp cho vụ Đông Xuân 2020-2021 không bị thiệt hại bởi hạn mặn.

    Tags:
Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất