| Hotline: 0983.970.780

Vừa ứng phó, vừa sống chung với hạn mặn

Thứ Năm 01/04/2021 , 09:16 (GMT+7)

Cà Mau khẩn trương nâng cấp, sửa chữa nhiều công trình thủy lợi nhằm chủ động ứng phó với mùa khô 2020 - 2021.

Đẩy nhanh thi công, nâng cấp các cống, trạm bơm

Cà Mau là một trong những tỉnh của ĐBSCL chịu tác động không nhỏ của biến đổi khí hậu. Mùa khô 2019 – 2020, Cà Mau xảy ra 1 đợt hạn hán, 21 cơn bão cùng với 5 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, đã tác động không nhỏ đến đời sản xuất của người dân nơi đây. Qua đó, đã làm hư hỏng 58 tàu cá, thiệt hại gần 64.000 ha lúa, hơn 800 ha hoa màu, 400 cây ăn quả, 21.000 ha nuôi trồng thủy sản, với tổng thiệt hại 1.110 tỷ đồng.

Cống Trùm Thuật Nam, thuộc xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) đã được khắc phục, sửa chữa, sẵn sàng ứng phó với hạn, mặn. Ảnh: Trọng Linh.

Cống Trùm Thuật Nam, thuộc xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) đã được khắc phục, sửa chữa, sẵn sàng ứng phó với hạn, mặn. Ảnh: Trọng Linh.

Trở về huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, địa phương nằm trong vùng ngọt hóa Tiểu vùng III - Bắc Cà Mau, với diện tích tự nhiên khoảng hơn 44 ngàn ha, nông nghiệp chủ yếu vẫn là trồng lúa và mô hình tôm - lúa kết hợp. Giữa mùa khô năm 2020, huyện Trần Văn Thời là địa phương bị thiệt hại năng nhất, liên tiếp xảy ra các vụ sụt lún đường giao thông, với tổng chiều dài gần 43km, với hơn 1.000 vị trí sạt lở.

Ông Sử Văn Minh, người dân xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời cho biết: Mùa khô năm 2019-2020, tình hình hạn mặn gây ảnh hưởng rất lớn đến vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời. Nhất là đối với các công trình giao thông, hoạt động chăn nuôi gia súc gia cầm, cũng như sản xuất của bà con nông dân trên địa bàn huyện.

Do ảnh hưởng của hạn mặn, tình hình sụt lún đã gây cản trở giao thông rất lớn trên địa bàn. Về sản xuất, do mùa khô đến sớm và kéo dài trên 8 tháng, sản xuất của người dân gặp hết sức khó khăn, nhất là sản xuất lúa, chăn nuôi gia súc gia cầm, trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nước ngọt. 

Sau gần một năm quay trở lại Trần Văn Thời, các tuyến đường giao thông đã và đang được sửa chữa, dặm vá, đến nay đã cơ bản đảm bảo đi lại cho người dân địa phương.

Đặc biệt, chuẩn bị bước vào mùa khô 2021, để chủ động ứng phó với thiên tai, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư sửa chữa, nâng cấp các cống. Đến nay, 17 trong tổng số 18 cống bị xói đáy đã được xử lý.

Ông Võ Quốc Thống, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết: Hiện nay UBND huyện Trần Văn Thời phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thi công các trạm bơm theo các cống từ tuyến Tắt Thủ - Sông Đốc để đảm bảo điều tiết nước, phục vụ vụ lúa hè thu trong năm 2021 cũng như trong dài hạn.

Đồng thời, huyện cũng phối hợp với Sở NN-PTNT triển khai các dự án nạo vét kênh mương phục vụ cho chống tràn, điều tiết nước, sẵn sàng cho sản xuất năm 2021; phối hợp với Trường ĐH Cần Thơ, Sở NN-PTNT tiến hành rà soát, khẩn trương hoàn thành quy hoạch sản xuất trên địa bàn huyện sớm nhất để triển khai ứng phó với hạn mặn. 

Tỉnh Cà Mau đang khẩn trương triển khai nạo vết kênh thủy lợi phục vụ sản xuất. Ảnh: Trọng Linh.

Tỉnh Cà Mau đang khẩn trương triển khai nạo vết kênh thủy lợi phục vụ sản xuất. Ảnh: Trọng Linh.

Bảo vệ vùng tôm - lúa

Đối với vùng ngọt hóa Cà Mau, các trà lúa - tôm chỉ sản xuất theo nước ngọt. Đây là lúc các cống ngăn mặn phát huy tối đa vai trò ngăn nước mặn xâm nhập vào nội đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 182 cống ngăn mặn, ngành chức năng tỉnh thường xuyên rà soát, duy tu, nâng cấp để công trình hoạt động tốt hơn.

Sẵn sàng cho mùa khô năm 2021, ngành chức năng tỉnh Cà Mau triển khai nhiều biện pháp vừa ứng phó, vừa sống chung với hạn mặn lâu dài, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho bà con nông dân.

Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết: Đối với trà lúa - tôm, bình quân hàng năm toàn tỉnh có khoảng từ 30 - 40 nghìn ha. Khi hạn sớm, những trà lúa - tôm này rất dễ ảnh hưởng. Do đó tỉnh đã ưu tiên  tập trung các giải pháp phi công trình để bảo vệ vùng lúa - tôm như bố trí lịch thời vụ hợp lý, cũng như chọn giống phù hợp, có khả năng chịu mặn...

Đối với giải pháp công trình, tỉnh đang đề xuất với Bộ NN-PTNT thí điểm ô thủy lợi ở xã Trí Lực (huyện Thới Bình) với diện tích trên 3.000 ha dùng hệ thống trạm bơm, đập thép, đập di động để chủ động hệ thống thủy lợi khi có mùa khô khốc liệt. 

Đối với vùng ngọt hóa Trần Văn Thời – U Minh, Cà Mau đã đề xuất Bộ NN-PTNT hỗ trợ xây dựng hệ thống trạm bơm chủ lực để chủ động bơm tiêu trong các tháng 10, tháng 11 khi mưa tới, gây ngập úng mà không thể tiêu thoát... Do đó, Cà Mau sẽ tập trung để bơm tháo nước ra sông Đốc cũng như biển Tây vào các tháng 10, 11 để bảo vệ cho vụ lúa thu đông (lúa vụ 3). 

Ông Trần Quốc Nam, Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết: Để đảm bảo công tác ngăn mặn, chống tràn, chống hạn, Cà Mau đã chủ động nâng cấp, sửa chữa bờ bao.

Nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ tập trung cho nạo vét kênh mương. Đến nay, hệ thống kênh mương toàn tỉnh đã được thông thoáng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục tập trung đầu tư di tu sửa chữa bờ bao để đảm bảo công tác ngăn triều cường, xâm nhập đối với vùng Nam Cà Mau; ngăn mặn, chống tràn đối với vùng ngọt, đặc biệt là đối với vùng ngọt Trần Văn Thời.

Người dân Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời chia sẻ với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam về những khó khăn khi đối mặt với hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2019 - 2020. Ảnh: Gia Huy.

Người dân Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời chia sẻ với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam về những khó khăn khi đối mặt với hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2019 - 2020. Ảnh: Gia Huy.

Đồng thời, kết hợp với Chương trình xây dựng Nông thôn mới của từng địa phương, qua đó giúp các xã hoàn thành tiêu chí về giao thông, thủy lợi… Trước hết, ưu tiên triển khai cho 4 huyện là Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi và Phú Tân.

Hiện nay, đối với vùng ngọt Cà Mau, trong đó các tiểu vùng hầu như đã khép kín nhưng chưa đủ. Để giải quyết những khó khăn do hạn mặn xảy ra như mùa khô 2019 – 2020, Cà Mau sẽ tăng cường xây dựng các ô thủy lợi trong tiểu vùng để chủ động mùa vụ, chống thiếu nước cuối vụ. Đồng thời, dự trữ được nước nhằm phát huy được hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau: “Bên cạnh việc ứng phó với hạn, mặn, chủ trương của tỉnh cũng sẽ có giải pháp chủ động, linh hoạt nhằm sống chung với hạn, mặn ngày càng cực đoan.

Ví dụ chuyển đổi các vùng hạn, mặn cực đoan sang các hình thức sản xuất nông nghiệp khác như là nuôi trồng thủy sản. Ngăn mặn, chống tràn, trữ ngọt triệt để tổ chức lại sản xuất theo tình hình thực tế của từng địa phương...

Đặt biệt là nâng cấp các hệ thống công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, khắc phục những nhược điểm trong thiết kế các cống cho phù hợp từng vùng đảm bảo “sống chung với hạn mặn”.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.