| Hotline: 0983.970.780

Vui buồn xuất khẩu gỗ đầu năm 2021

Thứ Hai 29/03/2021 , 08:11 (GMT+7)

Đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng ấn tượng, nhưng ngành gỗ không chỉ có nhiềm vui mà vẫn phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ.

Đơn hàng nhiều, làm không hết việc

Vào thời điểm này năm ngoái, nếu như các doanh nghiệp gỗ đang gặp khó khăn lớn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhất là về đơn hàng thì năm nay, tình hình khác hẳn.

Bà Lê Thị Xuyến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phẩn Chế biến gỗ Thuận An (Bình Dương) cho biết, tháng 2/2020, khi chưa có Covid-19, đơn hàng đã yếu. Tới tháng 3/2020, tình hình lại càng trầm trọng thêm. Sáng tháng 4 và tháng 5/2020, khách hàng yêu cầu hủy đơn hàng hoặc giãn đơn hàng từ 2 tuần đến 2 tháng.

Vào thời điểm ấy, công ty đã mấy tới 1,5 tháng không có việc làm hoặc phải cho công nhân nghỉ luân phiên. Mãi đến cuối tháng 5, đầu tháng 6/2020, đơn hàng mới bắt đầu nhiều trở lại.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ở Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Thuận An. Ảnh: Thanh Sơn.

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ở Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Thuận An. Ảnh: Thanh Sơn.

Còn những tháng đầu năm nay, tình hình khác hẳn. Từ đầu năm đến giờ, các nhà nhập khẩu nước ngoài đặt hàng rất nhiều với công ty, nhiều hơn khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn hàng nhiều tới mức công ty làm không xuể, dù đã thường xuyên phải tăng ca. Hiện tại, công ty đã phải làm việc trong cả ngày thứ bảy. Có những khi đơn hàng gấp quá, phải tổ chức làm cả vào chủ nhật.

Cũng theo bà Xuyến, hầu như các doanh nghiệp gỗ đều có đơn hàng nhiều hơn hẳn so với thời điểm này năm ngoái.

Thông tin từ các nhà nhập khẩu cho thấy, do dịch bệnh Covid-19, người dân nhiều nước phải ở nhà làm việc qua mạng, nên họ có nhu cầu cao về việc trang bị bàn, ghế, gường tủ mới … trong nhà nhằm tạo không gian đẹp hơn. Do làm việc ở nhà, người tiêu dùng ở nhiề thị trường có thêm thời gian lên mạng tìm mua các sản phẩm nội thất, đồ gỗ. Những yếu tố đó khiến cho nhu cầu đồ gỗ tăng cao ở nhiều thị trường.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, những tháng đầu năm nay, đơn hàng được đẩy từ Trung Quốc về Việt Nam tiếp tục nhiều lên.

Sự thuận lợi của ngành gỗ thể hiện rất rõ qua số liệu xuất khẩu. Theo Tổng cục Hải quan, tính chung trong 2 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,27 tỷ USD, tăng 40,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,76 tỷ USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ

Vẫn bị “níu” chân

Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm nay, ngành gỗ không chỉ có thuận lợi, mà vẫn có những vấn đề đang “níu” bước chân ngành gỗ.

Tước hết là tình trạng thiếu container rỗng. Theo bà Lê Thị Xuyến, hiện trong kho của Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Thuận An, hàng thành phẩm đã đóng gói tương đương với 38 container, nhưng chưa thể giao cho khách hàng nước ngoài vì chưa có container rỗng. Với lượng hàng chưa thể xuất khẩu lớn như vậy, công ty đang phải tính tới phương án thuê kho để hàng để giải phóng mặt bằng tiếp tục sản xuất.

Do giá cước vận tại biển đã lên quá cao khiến cho các nhà nhập khẩu khách hàng phải mất nhiều thời gian đắn đo, cân nhắc chọn lựa hãng tàu nào có giá cước mềm hơn một chút, rồi mới đề nghị nhà xuất khẩu gỗ Việt Nam đặt hãng tàu đó. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá cước cao như hiện nay, hãng tàu nào có giá cước rẻ hơn một chút thì sẽ nhiều doanh nghiệp tranh nhau đặt container, nên việc đặt tàu cũng rất khó.

Trước tình hình đó, dù xuất khẩu chủ yếu dưới dạng FOB, nhưng đã không ít lần, Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Thuận An phải chấp nhận phương án tốn thêm chi phí để làm sao lấy được container rỗng xuất hàng đi càng sớm càng tốt. Nhiều doanh nghiệp khác trong ngành gỗ cũng đã phải chọn giải pháp tương tự.

Bên cạnh đó, nhiều loại gỗ và nguyên vật liệu phục vụ chế biến gỗ, từ hàng trong nước tới hàng nhập khẩu, đã tăng giá, với mức tăng từ 10-30%, cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chế biến gỗ. Một trong những yếu tố làm tăng giá là thiếu container rỗng.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), những tháng đầu năm nay, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu tăng khá nhiều, qua đó đã góp phần làm tăng mạnh kim ngạch nhập khẩu gỗ.

Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu ước đạt 448 triệu USD, tăng 116 triệu USD (tăng 34,8%) so với cùng kỳ năm 2020. Trong 116 triệu USD tăng thêm đó, 71 triệu USD là do lượng gỗ nhập khẩu tăng và 45 triệu USD là do giá tăng.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhận định, mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2021 vẫn ghi nhận đà tăng trưởng cao.

Trong đó, sản phẩm gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính với tỷ trọng chiếm 77,7% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Điều này cho thấy cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến và giảm xuất khẩu nguyên liệu thô.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất