Sáng 9/4, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp cùng Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Ngày hội việc làm năm 2025 – Chuyên đề việc làm bán thời gian. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động thực hiện Kế hoạch số 379/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: Thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với Học viện Phụ nữ Việt Nam để triển khai các chương trình hỗ trợ sinh viên thực tập, đào tạo kỹ năng mềm, tổ chức phiên giao dịch việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động, giới thiệu, kết nối việc làm cho sinh viên với các đơn vị, doanh nghiệp.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhấn mạnh Ngày hội giúp sinh viên định hướng nghề nghiệp, kết nối với doanh nghiệp. Ảnh: Minh Hà.
Bên cạnh các phiên chuyên đề, Trung tâm duy trì đều đặn các phiên giao dịch định kỳ từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần trên toàn hệ thống sàn giao dịch việc làm. Hiện nay, hệ thống này đã được triển khai tại 15 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, giúp người lao động và doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện với các cơ hội tuyển dụng phù hợp.
"Riêng với phiên chuyên đề hôm nay, việc kết nối giữa trường – doanh nghiệp – sinh viên là mô hình rất phù hợp với nhóm lao động trẻ, đặc biệt là các bạn năm 3, năm 4 đang tìm việc làm thêm hoặc thực tập", ông Thành chia sẻ.
Theo thống kê của Ban tổ chức, Ngày hội việc làm lần này thu hút sự tham gia của 50 doanh nghiệp, trong đó có 21 đơn vị hiện diện trực tiếp tại Học viện Phụ nữ Việt Nam. Tổng số chỉ tiêu tuyển dụng và xuất khẩu lao động được đưa ra là 2.155, với 230 chỉ tiêu bán thời gian và hơn 190 vị trí thực tập sinh dành cho sinh viên năm cuối.
Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng - đại học chiếm tỉ lệ cao nhất với 964 chỉ tiêu, chiếm tỷ lệ 44,7%. Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp – công nhân kỹ thuật là 732 chỉ tiêu, chiếm tỷ lệ 34%. Nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông là 459 chỉ tiêu, chiếm tỷ lệ 21,3%.
Mức thu nhập cũng được phân chia rõ theo năng lực và vị trí: Có 452 chỉ tiêu với mức lương từ 10 triệu đồng trở lên; 1.012 chỉ tiêu trong khoảng 7 đến 10 triệu đồng/tháng; 470 chỉ tiêu từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng, còn lại là các vị trí thỏa thuận theo năng lực ứng viên.
Sự kiện có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng uy tín như Công ty cổ phần Viễn thông FPT, Ngân hàng TMCP Quân đội MB, Khách sạn Sheraton Hanoi West, Jollibee Việt Nam, Hyundai Đông Nam… với các ngành nghề đa dạng từ thương mại – dịch vụ đến nhà hàng, khách sạn, công nghệ thông tin...

Các bạn trẻ chủ động trao đổi với doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp. Ảnh: Minh Hà.
Bên cạnh những chỉ tiêu tuyển dụng, Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra những thuận lợi và thách thức của lao động trẻ hiện nay. Theo ông, sinh viên "Gen Z" có lợi thế về tiếp cận công nghệ, được đào tạo bài bản và dễ thích nghi với sự thay đổi của thị trường. Tuy nhiên, nhiều bạn còn thiếu kỹ năng mềm, thiếu kiên trì và dễ nhảy việc nếu môi trường làm việc không đúng kỳ vọng. Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi cơ cấu lao động, sinh viên càng cần chủ động trang bị kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống và tư duy thích nghi để không bị đào thải.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Thân Xuân Bình, Giám đốc Phòng Khách hàng cá nhân (Ngân hàng MSB) đánh giá cao tinh thần và năng lực của sinh viên hiện nay, đặc biệt là sự nhiệt huyết, khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ và tinh thần sẵn sàng học hỏi. Tuy nhiên theo ông Bình, điểm yếu lớn nhất của sinh viên vẫn nằm ở kỹ năng giao tiếp và thiếu trải nghiệm thực tế, đó là những yếu tố mang tính quyết định để có thể hòa nhập với môi trường doanh nghiệp.
Nhằm tạo điều kiện để sinh viên cọ xát sớm với thực tế, ông Bình cho biết, MSB cũng như nhiều doanh nghiệp khác đang triển khai các mô hình cộng tác viên linh hoạt, bán thời gian, cho phép sinh viên làm việc từ xa hoặc tham gia vào các chiến dịch cụ thể, qua đó vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa giúp các bạn trẻ tích lũy kỹ năng và kinh nghiệm nghề nghiệp.

Sinh viên tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại Ngày hội việc làm để chuẩn bị hành trang bước vào thị trường lao động. Ảnh: Minh Hà.
Bạn Đỗ Thị Cẩm Ly, sinh viên năm cuối ngành Công nghệ thông tin (Học viện Phụ nữ Việt Nam) chia sẻ, đây là lần đầu tiên được tham dự một chương trình hướng nghiệp có quy mô lớn, tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận trực tiếp với doanh nghiệp.
"Trải nghiệm tại sự kiện giúp em nhận ra mình cần học hỏi nhiều kỹ năng mềm để phục vụ cho công việc. Trước đây em chủ yếu tìm việc qua mạng xã hội, nhưng lần này đã biết thêm các nền tảng tuyển dụng uy tín như TopCV, Joboko... giúp quá trình tìm việc trở nên dễ dàng và an toàn hơn", Cẩm Ly chia sẻ.
Ngày hội việc làm không chỉ mang lại hàng ngàn cơ hội việc làm mà còn là cầu nối hiệu quả giữa nhà trường – sinh viên – doanh nghiệp. Từ đây, sinh viên có thể tiếp cận thị trường việc làm một cách sớm và chủ động hơn, góp phần tăng tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đúng với mục tiêu mà thành phố Hà Nội và các trường đang hướng tới.