| Hotline: 0983.970.780

Vùng rau quả né hạn nhờ tưới tiết kiệm

Thứ Bảy 06/04/2024 , 07:22 (GMT+7)

Bà Rịa - Vũng Tàu Dù nhiều địa phương của tỉnh xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ do nắng hạn, nhưng cơ bản nước vẫn đủ phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong mùa khô năm nay.

Nước ít nhưng vẫn đủ

Nắng nóng kéo dài khiến một số kênh nước trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt đầu khô cạn, gây thiếu nước cục bộ ở một số vùng sản xuất.

Khi chúng tôi đến vườn nhãn xuồng cơm vàng của ông Trần Thanh Đại tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc, tuyến kênh mương trữ nước bên cạnh đã cạn, việc tưới tiêu hoàn toàn phụ thuộc vào giếng khoan ngầm.

Nước ở các công trình thủy lợi vẫn nằm trong tầm kiểm soát, có thể cung cấp đủ theo kế hoạch từng vùng sản xuất. Ảnh: Lê Bình.

Nước ở các công trình thủy lợi vẫn nằm trong tầm kiểm soát, có thể cung cấp đủ theo kế hoạch từng vùng sản xuất. Ảnh: Lê Bình.

“Năm nay thời tiết khô hạn đến sớm hơn mọi năm khiến bà con trở tay không kịp. Tuyến kênh dài 4km nhưng chỉ còn đọng nước vài nơi, cũng may còn nước ngầm để tưới cây nên không quá ảnh hưởng. Mong cho trời mưa sớm chứ năm nay nắng gắt quá”, ông Đại nói.

Xuyên Mộc là huyện có địa hình cao, hệ thống thủy lợi kết nối từ hồ Sông Ray vẫn chưa về đến nhiều xã nên đây là nơi gặp khó khăn về nước tưới trong mùa khô. Ông Nguyễn Quốc Đại, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Xuyên Mộc cho biết, đơn vị đã lập lịch tưới cụ thể cho từng công trình và khu vực sản xuất, thường xuyên kiểm tra khu tưới để kịp thời điều phối nước cho phù hợp thực tế. Nhờ đó, nhiều vùng trồng trọt được “giải khát” kịp thời, không để các vườn trồng bị ảnh hưởng sâu.

Dẫn chúng tôi thị sát công trình hồ chứa nước Sông Ray, ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, mực nước có giảm so với mọi năm nhưng chưa tới mực nước chết như nhiều nguồn thông tin đăng tải. Ông Hiếu khẳng định, nước tại hồ vẫn nằm trong tầm kiểm soát và có thể cung cấp đủ theo kế hoạch từng vùng sản xuất.

“Để giải quyết tình trạng thiếu nước tại một số địa bàn, Trung tâm đã thành lập tổ chống hạn hồ chứa nước Sông Hỏa (huyện Xuyên Mộc). Dự kiến thời gian bơm vào đầu tháng 4/2024. Việc này sẽ đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng nước của bà con trong cao điểm mùa khô năm nay”, ông Hiếu thông tin thêm.

Nhiều vườn cây ăn trái tại huyện Châu Đức, Đất Đỏ, Phú Mỹ... đã chuyển sang tưới bằng hệ thống tưới thông minh, vừa giúp tiết kiệm nước vừa phù hợp với tình hình hạn hán. Ảnh: Lê Bình.

Nhiều vườn cây ăn trái tại huyện Châu Đức, Đất Đỏ, Phú Mỹ... đã chuyển sang tưới bằng hệ thống tưới thông minh, vừa giúp tiết kiệm nước vừa phù hợp với tình hình hạn hán. Ảnh: Lê Bình.

Trong khi đó, tại nhiều xã của huyện Long Điền, cây lúa chiếm diện tích trồng trọt chủ yếu. Thời điểm này, nhiều địa phương đã gặt xong, không còn nhu cầu sử dụng nước. Thậm chí, nguồn nước của các kênh nội đồng vẫn còn đủ để nông dân trồng cây xen vụ.

Tương tự, tại thị xã Phú Mỹ, Châu Đức, nước tưới phục vụ sản xuất cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều trong bối cảnh thời tiết hiện tại. Đây cũng là những vùng sản xuất rau, cây ăn quả được Sở NN-PTNT định hướng sớm ứng dụng công nghệ cao nên chủ động được việc tưới tiêu trước các diễn biến thất thường của thời tiết.

Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, lượng mưa năm 2023 kết thúc sớm dẫn đến lượng nước tại một số hồ chứa trên địa bàn không đạt dung tích thiết kế. Tuy nhiên, lượng nước vẫn đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt trong mùa khô năm 2024.

Theo ông Đỗ Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, mùa nắng nóng năm 2024 đến sớm, mức độ nắng nóng xuất hiện nhiều hơn năm 2023. Do đó, tổng trữ lượng nước tại các công trình thủy lợi trên địa bàn khoảng 134/308 triệu khối, bằng 80% so với cùng kỳ năm 2023. Nhìn chung, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đảm bảo cung cấp tưới và sinh hoạt trong mùa khô 2024.

“Đến thời điểm này, lượng nước vẫn đảm bảo nhu cầu tưới 6.300 ha vụ đông xuân, tưới hỗ trợ cây trồng khác là 2.900 ha và nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn. Đối với các hồ có mực nước thấp như Suối Giàu, Đá Bàng, Đá Đen… sẽ được điều tiết nước từ hồ Sông Ray", ông Thảo cho hay.

Ứng phó khô hạn bằng nhiều biện pháp

"Đến hẹn lại lên”, một số vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nguy cơ thiếu nước cục bộ khi vào mùa nắng nóng. Đây chủ yếu là địa phương có địa hình cao, cách xa các hồ chứa nước.

Tại các vùng trồng cây ăn trái ở huyện Xuyên Mộc như: Bông Trang, Bưng Riềng, Hòa Hiệp... nhiều hộ dân cũng đã chủ động đào ao, khoan giếng, xây dựng bể chứa, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho cây trồng.

Nhiều nhà vườn cũng đã bắt đầu sử dụng rộng rãi các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ tưới tiêu cho cây trồng trong điều kiện thiếu nước, hạn hán như: tưới tự động, tưới nhỏ giọt, phun sương,... để tiết kiệm nước hiệu quả.

Sản xuất dưa lưới bằng công nghệ cao tại Ne farm (thị xã Phú Mỹ) giúp chủ động được việc tưới tiêu trước các diễn biến tiêu cực của thời tiết. Ảnh: Lê Bình.

Sản xuất dưa lưới bằng công nghệ cao tại Ne farm (thị xã Phú Mỹ) giúp chủ động được việc tưới tiêu trước các diễn biến tiêu cực của thời tiết. Ảnh: Lê Bình.

Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Xuyên Mộc cũng khuyến cáo nông dân cần sử dụng nước tiết kiệm, tránh lãng phí, có kế hoạch tưới phù hợp. “Đặc biệt, nông dân cũng nên lưu ý những khuyến cáo của chính quyền địa phương trước khi bắt đầu mùa vụ để có kế hoạch tổ chức, sản xuất sao cho hợp lý, tránh ảnh hưởng đến năng suất cây trồng”, ông Đại bày tỏ.

Để ứng phó tình hình hạn hán, thiếu nước, Sở NN-PTNT tỉnh đã ban hành văn bản triển khai đến UBND các huyện, thị xã, thành phố, các công ty cấp nước và các đơn vị trực thuộc Sở để chủ động phòng chống hạn hán, thiếu nước mùa khô 2023 - 2024.

Giám đốc Trung tâm Quản lý, khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết, đơn vị cũng đang thực hiện việc điều phối nước từ các công trình hồ chứa nước cho nhau để đảm bảo việc tưới tiêu và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

“Nước Sông Ray sẽ được bổ sung cho các hồ chứa như Suối Giàu, Lồ Ồ, Suối Môn, Đá Bàng, Xuyên Mộc, Đá Đen, đập dâng Sông Ray, Suối Sỏi, Sông Dinh; hồ Đá Đen bổ sung nước cho đập dâng Sông Xoài, hồ Châu Pha; hồ Xuyên Mộc bổ sung nước cho brạm bơm Phước Bửu để bơm nước cho đập Cầu Mới đảm bảo tưới cho các khu tưới”, ông Hiếu cho biết.

Ngành nông nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu đang thực hiện các biện pháp nhằm san sẻ nước giữa các vùng, đảm bảo kế hoạch phục vụ sản xuất của người dân. Ảnh: Lê Bình.

Ngành nông nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu đang thực hiện các biện pháp nhằm san sẻ nước giữa các vùng, đảm bảo kế hoạch phục vụ sản xuất của người dân. Ảnh: Lê Bình.

Ngoài ra, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp cùng UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các địa phương tổ chức sửa chữa, nạo vét, phát quang tạo thông thoáng dòng chảy, bảo đảm các hệ thống kênh tưới hoạt động tối ưu nhất. Điều này giúp việc dẫn nước về các khu vực, vườn trồng được hiệu quả hơn.

“Chúng tôi cũng khuyến khích người dân nên chủ động tích, trữ nước phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng. Việc trữ nước thực hiện ngay từ cuối mùa mưa nhằm bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất trong các tháng mùa khô, không để bị động, bất ngờ trước các diễn tiến của thời tiết”, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh khuyến cáo.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Ô tô kinh doanh chở trẻ mầm non, học sinh phải sơn vàng đậm

Bắt đầu từ 1/1/2025, Nghị định 151/2024/NĐ-CP bắt buộc thi hành điều này đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, căn cứ Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.