| Hotline: 0983.970.780

Tương lai ngành nông nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu ra sao sau quy hoạch?

Chủ Nhật 31/03/2024 , 15:02 (GMT+7)

Nông nghiệp công nghệ cao không còn nằm trong 4 trụ cột động lực của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhưng đây vẫn là nội dung quan trọng, được tỉnh chú trọng đầu tư.

Mới đây, Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội nghị triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh. Theo đó, quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức không gian phát triển tỉnh theo bốn vùng chức năng gồm: công nghiệp - cảng biển, du lịch và đô thị biển, nông nghiệp và cân bằng sinh thái, vùng biển và hải đảo.

Như vậy, nông nghiệp công nghệ cao không còn là một trong 4 trụ cột động lực của tỉnh. Đây vốn là nội dung được Đảng bộ Bà Rịa - Vũng Tàu xác định vào đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ông Huỳnh Sơn Thái, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Lê Bình.

Ông Huỳnh Sơn Thái, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Lê Bình.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Sơn Thái, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về định hướng của tỉnh và những thành quả nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh trong thời gian qua.

Ngành nông nghiệp trước nhiệm vụ mới

Thưa ông, theo quy hoạch mới của tỉnh đã được Thủ tướng thông qua, quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp như thế nào?

Theo quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó quy hoạch đối với ngành nông nghiệp đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp như sau:

Thứ nhất, phát triển nông nghiệp chủ đạo là nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, thân thiện với môi trường. Cơ cấu lại nông nghiệp trên cơ sở các yếu tố hiệu quả, sinh thái, bền vững, áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo chuỗi. Đồng thời, chú trọng đến việc xây dựng mã số vùng trồng, chăn nuôi gắn với truy xuất nguồn gốc; gắn sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp với phát triển du lịch, bảo tồn đa dạng sinh học.

Thứ hai, Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững; phát huy vai trò và tác dụng của rừng, đóng góp vào việc bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu. Tỉnh sẽ tăng cường bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, làm giàu hệ sinh thái rừng.

Ròng rọc vận chuyển chuối tại huyện Châu Đức giúp giảm nhân công và giữ nguyên được mẫu mã sản phẩm.

Ròng rọc vận chuyển chuối tại huyện Châu Đức giúp giảm nhân công và giữ nguyên được mẫu mã sản phẩm.

Thứ ba, tái cơ cấu khai thác và nuôi trồng thủy sản, không đặt mục tiêu về tăng sản lượng mà chủ yếu tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Ưu tiên phát triển tàu khai thác hải sản xa bờ, nuôi trồng thủy sản theo hướng nuôi trồng hữu cơ và sinh thái bền vững, hiệu quả, phát triển mạnh nuôi thủy sản trên biển. Xây dựng trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá vùng Đông Nam bộ và đầu tư, khai thác, phát huy hiệu quả các công trình hạ tầng khai thác hải sản.

Thứ tư, Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

Thứ năm, phấn đấu thu nhập bình quân của người dân nông thôn của Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2030 sẽ tăng 1,7 - 2 lần so với năm 2020.

Thứ sáu, đến năm 2030, tỷ lệ nông sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt trên 50%. Giá trị sản xuất nông nghiệp, nuôi thuỷ sản theo mô hình sinh thái, hữu cơ chiếm trên 30% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Thứ bảy, tiếp tục nâng cao chất lượng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được công nhận. Chúng tôi sẽ tiếp tục thu hút nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, công nghệ, thị trường đầu tư sản xuất và liên kết với vùng nguyên liệu của tỉnh phát triển các vùng nông nghiệp tập trung theo hướng công nghệ cao, sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn.

Ứng dụng công nghệ cao toàn ngành nông nghiệp

Với từng lĩnh vực trong ngành thì Sở NN-PTNT tỉnh đã có định hướng phát triển ra sao, thưa ông?

Đối với từng lĩnh vực của ngành, chúng tôi đã xây dựng định hướng cụ thể như sau:

Đối với lĩnh vực trồng trọt: Phát triển các vùng trồng tập trung lúa, rau thực phẩm, cây cảnh, cao su, hồ tiêu, ca cao, cây ăn quả, điều, cà phê. Chúng tôi tập trung xây dựng các vùng sản xuất rau, cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đất Đỏ, Phú Mỹ, Xuyên Mộc, Châu Đức. Sở NN-PTNT cũng phấn đấu đạt diện tích chứng nhận nông nghiệp hữu cơ đạt 1,5% so với diện tích đất nông nghiệp trên cây trồng chủ lực.

Rau được trồng bằng phương pháp thủy canh của Công ty Sao Mai, huyện Đất Đỏ.

Rau được trồng bằng phương pháp thủy canh của Công ty Sao Mai, huyện Đất Đỏ.

Đối với ngành chăn nuôi: Thực hiện di dời, chấm dứt hoạt động chăn nuôi tại khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu vực dân cư không được phép chăn nuôi. Không phát triển các hình thức chăn nuôi tập trung tại các xã thuộc thành phố Bà Rịa, thành phố Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ và toàn bộ huyện Côn Đảo.

Xây dựng vùng chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại 3 huyện: Châu Đức, Đất Đỏ và Xuyên Mộc. Ngoài ra, sẽ đầu tư phát triển cơ sở giết mổ công nghiệp - công nghệ hiện đại.

Đối với lĩnh vực thủy sản: Tái cơ cấu khai thác và nuôi trồng thủy sản. Không đặt mục tiêu về tăng sản lượng khai thác thủy sản. Kiểm soát chặt chẽ, giảm tàu cá khai thác thủy sản vùng biển ven bờ và tàu nghề lưới kéo. Ưu tiên phát triển tàu cá khai thác xa bờ bằng nghề câu và lưới vây, chú trọng công tác bảo quản sản phẩm sau khai thác, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm.

Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão; xây dựng Trung tâm nghề cá lớn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại Gò Găng gắn với ngư trường Đông Nam bộ theo quy hoạch Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Ngoài ra, chúng tôi xây dựng nuôi trồng thủy sản trên 3 vùng sinh thái: nước ngọt, mặn lợ và nuôi trên biển theo hướng hữu cơ, sinh thái bền vững, hiệu quả. Nuôi lồng bè trên sông, trên biển, ven biển và hải đảo theo hướng công nghệ cao sẽ được chú trọng phát triển.

Nuôi trồng thủy hải sản ứng dụng công nghệ cao cũng được Bà Rịa - Vũng Tàu ưu tiên phát triển trong thời gian tới đây.

Nuôi trồng thủy hải sản ứng dụng công nghệ cao cũng được Bà Rịa - Vũng Tàu ưu tiên phát triển trong thời gian tới đây.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp: Tập trung quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững; bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng. Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục đẩy mạnh công tác trồng rừng tập trung trong diện tích quy hoạch 3 loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất), đặc biệt đầu tư phát triển rừng ngập mặn, rừng ven biển.

Đối với lĩnh vực thủy lợi: Tiếp tục xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai hiện đại, đồng bộ nhằm nâng cao năng lực phục vụ tưới đến năm 2045 trên 29.900 ha. Cấp nước sinh hoạt đến năm 2030 trên 110 triệu m3, đến năm 2045 trên 121 triệu m3… Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ đầu tư, xây dựng hồ chứa nước Sông Ray 2 theo hướng đa mục tiêu.

Giải pháp cho nông sản an toàn, năng suất

Nông nghiệp công nghệ cao không còn là 1 trong 4 trụ cột động lực. Vậy, trong thời gian tới việc quy hoạch nông nghiệp nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng sẽ được định hướng phát triển như thế nào, thưa ông?

Theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định tập trung phát triển, tăng trưởng kinh tế bền vững vào các ngành kinh tế như: công nghiệp, cảng biển và dịch vụ logistic, du lịch và đô thị. Ngành nông nghiệp chỉ chiếm 6 - 6,5% trong tổng cơ cấu kinh tế toàn tỉnh. Nông nghiệp công nghệ cao không là ngành kinh tế trụ cột của tỉnh.

Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp công nghệ cao vẫn được coi là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Đây là giải pháp tạo ra các sản phẩm nông sản an toàn, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao. Điều này góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, cụ thể năm 2023 giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt tỷ trọng trên 33% và đến năm 2025 là 50%.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Do vậy theo quy hoạch tỉnh vẫn xác định nông nghiệp công nghệ cao là mục tiêu, giải pháp để đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành. Cụ thể định hướng phát triển như sau:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng đã được công nhận và phát triển các vùng trồng trọt ứng dụng công nghệ cao. Các huyện Đất Đỏ và Xuyên Mộc được quy hoạch đầu tư phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, ứng dụng công nghệ cao tại 3 huyện: Châu Đức, Đất Đỏ và Xuyên Mộc.

Thứ hai, tiếp tục thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, công nghệ và thị trường đầu tư sản xuất và liên kết với vùng nguyên liệu của tỉnh phát triển các vùng nông nghiệp tập trung theo hướng công nghệ cao, sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn.

Thứ ba, cần tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thứ tư, cần tiếp tục phát triển thị trường, dịch vụ hỗ trợ hoạt động công nghệ cao trong nông nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Thực hiện)

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.