| Hotline: 0983.970.780

Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030

Thứ Bảy 30/03/2024 , 15:55 (GMT+7)

Sáng 30/3, Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội nghị triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Hội nghị còn có sự tham dự của gần 600 khách mời là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; đại diện Đại sứ quán các nước tại Việt Nam; đại diện các tổ chức, hiệp hội xúc tiến thương mại - đầu tư; lãnh đạo các tỉnh, thành Đông Nam bộ…

3 trục động lực, 4 vùng chức năng

Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, việc hoàn thành quy hoạch là cột mốc quan trọng. Theo đó, tỉnh sẽ phát triển theo mô hình “3 trục động lực, 4 vùng chức năng”.

Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ba trục động lực kinh tế gồm: Trục kinh tế động lực công nghiệp - cảng biển Cái Mép - Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và Quốc lộ 51; trục kinh tế động lực công nghiệp - logistics dọc cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 4 TP.HCM; trục kinh tế động lực du lịch ven biển dọc đường tỉnh ĐT994 và đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Quy hoạch tỉnh với tầm nhìn đến năm 2050 gồm 4 vùng chức năng. Đầu tiên là Vùng chức năng công nghiệp - cảng biển nằm ở phía Tây - Tây Nam và Tây Bắc của tỉnh, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thị xã Phú Mỹ, thành phố Bà Rịa, khu vực phía Tây của huyện Châu Đức và phía Tây - Tây Nam của thành phố Vũng Tàu.

Thứ hai là vùng chức năng du lịch và đô thị biển nằm ở phía Đông Nam của tỉnh. Vùng này trải dài từ dọc Quốc lộ 55 và phía Đông Nam Quốc lộ 51 đến khu vực ven biển dọc đường tỉnh ĐT994 thuộc địa giới hành chính thành phố Vũng Tàu và các huyện Long Điền, Đất Đỏ và Xuyên Mộc.

Vùng chức năng nông nghiệp và cân bằng sinh thái nằm ở khu vực phía Bắc và Đông Bắc của tỉnh; thuộc lãnh thổ hành chính các huyện Đất Đỏ (phía Bắc QL55), huyện Xuyên Mộc (phía Bắc QL55), Châu Đức (phần phía Đông QL56).

Vùng thứ tư là vùng biển và hải đảo bao gồm vùng không gian biển do tỉnh quản lý và hải đảo, là nơi tập trung phát triển kinh tế biển. Trong đó bao gồm: du lịch biển, kinh tế hàng hải, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản; bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học biển, đảo; nghiên cứu khoa học về biển; phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, dịch vụ hỗ trợ ngành dầu khí; hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển.

Trong vùng thứ tư, tỉnh sẽ phát triển Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao, đẳng cấp khu vực và quốc tế; là khu bảo tồn di tích lịch sử quốc gia đặc biệt; khu bảo tồn hệ sinh thái đa dạng rừng, biển; đồng thời thực hiện nhiệm vụ quan trọng về bảo vệ quốc phòng và an ninh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá vai trò của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tỉnh không chỉ có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển và là cửa ngõ của vùng Đông Nam bộ ra thế giới. Việc công bố quy hoạch là sự kiện quan trọng tạo cơ hội mới, động lực mới và những điều kiện phát triển mới cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

“Quy hoạch mở ra không gian phát triển của tỉnh với các thế mạnh về logictis, du lịch và dầu khí. Cánh cửa đường hướng mới đã được mở. Thế nhưng cách thực hiện và công tác tổ chức, thực hiện, giám sát thực hiện là điều rất quan trọng.

Bà Rịa - Vũng Tàu cần giữ vị trí tiên phong chuyển đổi xanh của cả nước. Phải tạo ra giá trị mới, đột phá, dựa trên kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Điều này giúp các nhà đầu tư tìm đến Bà Rịa - Vũng Tàu”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Tầm nhìn mới

Hiện, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn hơn 33 tỷ USD và vốn đầu tư trong nước đạt 400.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng Quý I/2024 đã thu hút vốn FDI hơn 1,5 tỷ USD và vốn đầu tư trong nước hơn 25.000 tỷ đồng. Các dự án đầu tư này đến từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, và các tập đoàn, định chế tài chính hàng đầu của Việt Nam với công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít thâm dụng lao động, năng suất cao, thân thiện với môi trường.

15 dự án được lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng trị giá 2,5 tỷ USD.

15 dự án được lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng trị giá 2,5 tỷ USD.

Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được Chính phủ phê duyệt lần này, xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, tỉnh sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với GRDP bình quân đầu người từ 18.000 - 18.500 USD.

Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phát triển thành: Trung tâm kinh tế biển; Trung tâm dịch vụ hàng hải của quốc gia và khu vực  Đông Nam Á; Trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; và là một trong những Trung tâm công nghiệp lớn nhất của Vùng Đông Nam Bộ.

Đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị quốc tế về Biến đổi khí hậu COP26.

Đây là thời điểm tiếp tục cụ thể hóa quan điểm của Đảng về việc luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển, phát triển hài hòa với thiên nhiên, phát huy tối đa sức mạnh “nội lực”, khai thác hiệu quả sức mạnh “ngoại lực”, nâng cao chỉ số hạnh phúc của Nhân dân là mục đích cuối cùng của sự phát triển.

Đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm kinh tế biển quốc gia.

Đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm kinh tế biển quốc gia.

Một trong 7 điểm nhấn quy hoạch cho mục tiêu phát bền vững là xã hội phát triển hài hoà với thiên nhiên, kinh tế phát triển bền vững theo xu hướng chuyển đổi xanh dựa trên phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon (Net zero) vào năm 2050 của Việt Nam.

Quy hoạch tỉnh cũng xác định, phát triển kinh tế hài hòa với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Top 10 địa phương có quy mô GRDP lớn nhất

Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu, duy trì vững chắc vị trí của tỉnh trong nhóm 10 địa phương có quy mô GRDP và tổng thu ngân sách Nhà nước cao nhất cả nước.

Quy hoạch đặt mục tiêu GRDP của tỉnh (không tính dầu khí) tăng trưởng bình quân thời kỳ 2021 - 2030 khoảng 8,1 - 8,6%/năm, GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 khoảng 497 triệu đồng.

Cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2030 được xác định: công nghiệp - xây dựng khoảng 58 - 58,5%; dịch vụ 29 - 9,5%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 6 - 6,5%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 6,5 - 6,7%.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lai Châu xác minh tài sản, thu nhập của 26 cán bộ

Ngày 4/5, Thanh tra tỉnh Lai Châu công bố quyết định xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của 26 cán bộ công tác tại 9 cơ quan.