Vườn lan Minh Dũng của bà Bé chuyên cung cấp cây giống, đặc biệt là giống lan Mokara chất lượng cao cho nông dân trên địa bàn các quận, huyện của thành phố, mang về nguồn thu hàng trăm triệu đồng/tháng.
Để có được thành quả đó, bà Bé tâm sự: “Nhớ lại những ngày đầu mới xây dựng vườn lan, khó khăn mọi mặt nhưng tôi đã may mắn được các hội, đoàn ở địa phương hỗ trợ. Trong đó, phải kể đến Khuyến nông là đơn vị đã đầu tư hỗ trợ giống lan và kỹ thuật trồng lan, được đánh giá kết quả thông qua các buổi hội thảo, lượng giá, tuyên truyền kỹ thuật… là bước đệm vững chắc để chúng tôi đạt được thành quả như hôm nay”.
Bà Nguyễn Thị Bé chăm sóc vườn lan của gia đình. |
Từ bước đệm khởi đầu đó, những vườn lan trên đất Củ Chi nói chung và vườn lan Minh Dũng nói riêng đã vươn lên một cách quyết tâm. Đến nay khi nhắc đến lan Mokara tại TP.HCM, nhiều người nghĩ ngay đến những vườn lan Mokara khoe sắc ở Củ Chi, trong đó có vườn lan Minh Dũng.
Bà Bé cho biết thêm: “Nếu trước đây, muốn trồng các giống lan chất lượng cao, người trồng phải nhập khẩu cây giống từ Thái Lan, thì nay, trang trại đã tự chủ được nguồn cây giống cung cấp cho nhiều nhà vườn ở Củ Chi và TP.HCM với chi phí bằng với 75 - 80% so với nhập khẩu, đồng thời chủ động số lượng, chủng loại cây giống theo yêu cầu khách hàng”.
Lan Mokara phát triển tốt thích nghi khí hậu TPHCM. |
Để đảm bảo nguồn giống lan tốt, bà dành một khu riêng ươm cây. Khi cây con phát triển thì đưa sang luống kế bên. Cây con được hạn chế phân, chất điều hòa sinh trưởng, nông dân mua về dễ trồng lại hoàn toàn tin tưởng vào nguồn giống vì được chiết trực tiếp từ cây mẹ. Căn cứ từ số lượng cây giống này, bà Bé mới nhận đơn đặt hàng vì vậy không phải bị động tìm nguồn giống từ vườn khác.
Bán giống không sợ ế, khách hàng đặt cọc xong là bà cắt một loạt mấy ngàn cây. Cũng vì làm đồng loạt như thế, cả vườn lan có cấp tuổi tương đối sẽ đồng đều nhau. Cây lan giống được bà tuyển chọn rất khắt khe. Mỗi cây giống đều có lá dày đều, xanh mượt; rễ con phát triển khỏe mạnh; thậm chí cành hoa phải còn tươi nguyên màu sắc, đảm bảo khách hàng tin tưởng 100%.
Cũng vì đặt ra những tiêu chí tuyển lựa khắt khe như vậy nên chỉ một thân cây, một cánh hoa vướng tý khuyết điểm là bà loại bỏ ngay. “Những cây giống không đạt chuẩn, tôi phải tước hết lá để nó không có khả năng tái sinh”, bà Bé nói.
Nhiều gia đình ở Củ Chi khấm khá từ nghề trồng Lan Mokara. |
Không những vậy, bà còn rất chu đáo với từng đơn hàng khi giao nhận, luôn đính kèm theo đó là bản hướng dẫn cặn kẽ từng chi tiết kỹ thuật. “Bạn hàng mua hoa ở vườn mình đảm bảo sẽ thường xuyên có hoa loại 1; đặt cây giống vườn mình đảm bảo cây giống chất lượng. Phải kiên quyết như thế mới tạo dựng được thương hiệu riêng cho hoa lan Củ Chi”, bà Bé tâm sự.
Hiện vườn lan của bà Bé sở hữu diện tích 10.000 m2 đất trồng, mỗi năm xuất bán hơn 10.000 cây giống đi khắp cả nước như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Ninh Bình… Riêng tiền bán lan giống, bà Bé thu gần nửa tỷ mỗi năm.
Trại lan của bà Nguyễn Thị Bé là địa chỉ tin cậy để mọi người đến tham quan, học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc lan, cũng như đặt mua giống để khởi nghiệp làm kinh tế. Không chỉ trong nước mà các đoàn từ nước ngoài cũng tìm đến để trao đổi kinh nghiệm…