| Hotline: 0983.970.780

Trồng lan cắt cành thu gần 3 triệu đồng mỗi ngày

Thứ Năm 17/11/2016 , 10:25 (GMT+7)

Với 3.400 cây phong lan Mokara cắt cành, trong đó 1.500 cây đã cho thu hoạch, trồng trên phạm vi 1.000m2 tại tổ 16B phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng), mấy tháng qua anh Lê Thành Trung thu đều hơn 100 bông/ngày. 

Với giá 13 - 15 nghìn đồng/bông, ngày nào chàng cử nhân trẻ này cũng có trong tay khoảng 1 triệu đồng tiền lãi.

Lê Thành Trung đến với nghề trồng hoa rất tình cờ. Chả là, trong một lần vào thăm bạn tại huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh, được bạn dẫn tham quan các mô hình trồng hoa và anh nhận thấy trồng phong lan Mokara cắt cành không chỉ “hái ra tiền” mà còn làm đẹp cho đời.

14-39-55_dsc_8634
Lê Thành Trung (người ngồi) bên vườn lan của mình
 

Thế rồi, không bỏ lỡ cơ hội, anh lưu lại ít ngày học hỏi kinh nghiệm và đặt hàng mua cây giống với ý định sẽ triển khai mô hình tại Đà Nẵng. Ít lâu sau, chia tay công việc đang làm với cương vị Phó phòng Kế toán của một doanh nghiệp kinh doanh du lịch với mức lương 7 - 8 triệu đồng/tháng, anh đến với nghề trồng hoa.

Được chính quyền địa phương và nhất là Hội Nông dân phường Hòa Xuân động viên, khuyến khích, tạo cơ hội về đất, vốn vay, anh mạnh dạn đầu tư 500 triệu đồng xây dựng nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, mua cây giống về trồng.

Đầu năm 2016, khi nhà lưới vừa dựng, những luống đất đã phủ lớp vỏ đậu phộng khá dày, anh Trung trồng 1.500 cây. 3 tháng sau, anh trồng tiếp 1.900 cây, để rồi đến nay vườn hoa lọt thỏm giữa khu dân cư ấy xanh ngắt, ngày nào cũng điểm tô bởi những bông đủ màu sắc.

Đến khá nhiều vườn trồng Mokara cắt cành trên địa bàn Đà Nẵng và Quảng Nam, song ít vườn nào cây mập, lá xanh, bông trổ đều như vườn lan của anh Trung. Hỏi về bí quyết để có những cây phong lan to khỏe, lá xanh tràn đầy sức sống ấy, chàng cử nhân tiếp cận nghề trồng hoa chưa lâu này cho biết, yếu tố quan trọng nhất trong trồng loài hoa cắt cành này là cây giống phải to khỏe và kỹ thuật bón phân thích hợp.

“Trồng loài hoa này ít tốn thời gian chăm sóc, nhưng thu lợi hơn hẳn các loài hoa khác. Khi cây đã lên xanh tốt, đến kỳ cứ thế trổ bông. Nhiều hôm, thả sức làm việc khác mà không cần ngó ngàng đến mà vẫn yên tâm, bởi biết chắc hệ thống tưới tự động đáp úng đủ độ ẩm cần thiết. Bón phân phù hợp sẽ điều tiết được thời kỳ trổ bông của cây. Với kinh nghiệm đã có, dứt khoát vụ hoa tết năm nay, cả 3.400 cây này sẽ đồng loạt trổ bông. Khi đó mỗi ngày sẽ cắt trên 200 bông, trị giá gần 3 triệu đồng. Trừ chi phí lãi ròng trên dưới 2 triệu”, Lê Thành Trung tư tin cho biết thêm.

Chưa dừng lại ở đó, chủ vườn hoa này đang có kế hoạch mở rộng quy mô. Theo kế hoạch, năm tới sẽ đưa hơn 1.000 cây gióng nữa về trồng. Anh Hồ Đắc Lành, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Xuân rất phấn khởi khi nhận thấy chỉ mới gần 1 năm triển khai, hiệu quả kinh tế từ việc trồng Mokara cắt cành rất cao và ổn định.

Anh Lành cho biết, chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng sau giải tỏa của địa phương đã đem lại kết quả lạc quan. Hiện nay, ở Hòa Xuân, đất dự án chưa triển khai rất lớn, hội sẽ tạo điều kiện cho các hội viên. Lâu nay, mô hình của anh Trung là điểm đến tham quan học tập của nông dân địa phương. Dứt khoát năm tới sẽ có vài ba mô hình tương tự ra đời.

Hỏi về khâu tiêu thụ sản phẩm, anh Trung cho biết, ngày nào khách hàng cũng đến tận vườn, chọn bông cắt và thanh toán gọn. Ở thành phố gần triệu dân, nhu cầu hoa tươi rất lớn. Với loài hoa này, vài ba chục vườn chưa thấm vào đâu so với nhu cầu của khách hàng. Nói, trồng phong lan Mokara cắt cành là hoạt động kinh tế “hái ra tiền”, không sai.

 

Xem thêm
Hỗ trợ 14 tỷ đồng các cơ sở chăn nuôi hàng hóa

YÊN BÁI Năm 2024, các ngành chức năng của Yên Bái đã thực hiện 2 đợt hỗ trợ với tổng kinh phí gần 14 tỷ đồng cho các cơ sở chăn nuôi hàng hóa.

Thanh Hóa phấn đấu thanh toán bệnh dại

Tỉnh Thanh hóa phấn đấu năm 2025 tiếp tục khống chế tốt bệnh dại và năm 2030 bước đầu thanh toán bệnh dại.

Nhộn nhịp xuống giống vụ lúa - tôm

SÓC TRĂNG Đến nay, nông dân huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) đã xuống giống hơn 7.800ha lúa, đạt 106,5% kế hoạch đề ra.

Nuôi vịt, chăm lợn bằng điện thoại thông minh

Với sự chủ động đổi mới tư duy, nông dân Quảng Ninh ngày càng tự tin làm chủ công nghệ để ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.