| Hotline: 0983.970.780

Vượt qua 'khó khăn kép'

Thứ Hai 20/01/2020 , 09:14 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam, nhìn lại sản xuất nông nghiệp 2019 và một số định hướng, mục tiêu của ngành năm 2020.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Thưa Bộ trưởng, năm 2019, sản xuất nông nghiệp đánh giá là một năm rất nhiều khó khăn, cả về sản xuất lẫn thương mại. Bộ trưởng chia sẻ về sự khó khăn này và ngành nông nghiệp đã vượt qua như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Ngay từ cuối năm 2018, chúng tôi đã nhận định 2019 sẽ là một năm hết sức khó khăn và có 3 thách thức lớn với ngành. Đó là chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ảnh hưởng nhiều đến mặt hàng nông sản xuất khẩu; tác động biến đối khí hậu tiếp tục sẽ cực đoan; quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp chúng ta dù đã đi được những bước dài, tuy nhiên về tổng thể, tỉ lệ SX nhỏ lẻ vẫn còn chiếm tỉ trọng lớn đe dọa đến an toàn thực phẩm, sản phẩm khó cạnh tranh, việc thực hiện các quy chuẩn rất khó.

Từ đầu năm đã nắng nóng lịch sử, sau đấy thì hạn hán kéo dài khốc liệt ở miền Trung.

Ngày 19/2/2019 phát hiện 2 ổ dịch tả lợn Châu Phi ở Hưng Yên và Thái Bình. Kể từ đó loại dịch bệnh nguy hiểm trên lợn chưa có vacxin phòng trị bùng nổ tàn phá ngành chăn nuôi. Trên cây trồng, sâu keo mùa thu – đối tượng sinh vật ngoại lai xâm hại rất nguy hiểm cũng lần đầu tiên xuất hiện ở nước ta.

Về thương mại, nhiều thị trường trở nên khó khăn hơn, nhất là thị trường Trung Quốc, một số nông sản xuất khẩu bị đình trệ, giá cả thấp.

Nông nghiệp 2019 là một năm “khó khăn kép”.

Mặc dù vậy, với sự cố gắng vượt bậc của hệ thống chính trị, sự đồng sức, đồng lòng của các thành phần kinh tế, từ doanh nghiệp, HTX đến bà con nông dân thì vẫn có được kết quả khả quan, mặc dù không trọn vẹn nhưng chúng tôi cho là rất tích cực. Các loại dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi, cây trồng, cụ thể là dịch tả lợn Châu Phi, sâu keo mùa thu, tạm thời đã được khống chế, đẩy lùi. Thị trường một số mặt hàng xuất khẩu chính như tôm, cá tra, trái cây, điều… dần phục hồi.

Bên cạnh đó có một số ngành hàng giữ nhịp tăng trưởng tốt như gỗ và sản phẩm gỗ. Kết quả xuất khẩu nông sản cả năm vẫn đạt 41,3 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, tạo đà cho năm bản lề 2020 nông nghiệp có sự bứt phá mạnh hơn.

Về nông thôn mới, cả nước hoàn thành được 54% số xã (khoảng 4.800 xã). Hệ số che phủ rừng đạt 41,85%. GDP tăng trên 2%...

Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đang tăng nhanh, chỉ trong 3 năm qua tăng từ 3.000 lên gần 12.000, trong đó có sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn. Theo Bộ trưởng đâu là sức hút của nông nghiệp trong giai đoạn vừa qua?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tôi biểu dương và cảm ơn các doanh nghiệp của chúng ta đã đồng hành cùng bà con nông dân để trở thành lực lượng hạt nhân trong chuỗi sản xuất, là nòng cốt trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Nông nghiệp 2019 là một năm “khó khăn kép”.

Doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp bởi mấy sức hút:

Một là, qua hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã có trên 750 nghìn doanh nghiệp trong đó có một bộ phận doanh nghiệp nông nghiệp, gồm cả những doanh nghiệp lớn. Chúng ta đã đủ điều kiện kể cả về quản trị, đủ tầm vóc về mặt tài chính, và quan trọng hơn là hơn 30 năm đổi mới, đã đủ khát vọng để tổ chức, thực hiện và giải quyết tốt lĩnh vực khó khăn nhất là nông nghiệp.

Hai là, rõ ràng thông qua đây có thể thấy rằng ở khu vực nông nghiệp còn tiềm năng lợi thế, ngoài sự nhiệt tình, ngoài sự khát vọng ra thì người ta cũng nhìn thấy lợi nhuận khu vực này. Trong nông nghiệp, mặc dù chúng ta xuất khẩu tới trên 40 tỉ USD đi 185 nước trên thế giới nhưng phải khẳng định dư địa còn rất lớn. Nói dư địa lớn vì tổng thương mại toàn cầu về thực phẩm còn khoảng hơn 2 nghìn tỉ USD thì trong đó, giá trị để ra từ khâu chế biến, khâu thương mại còn rất nhiều.

Việt Nam chúng ta cũng vậy, trong số hơn 40 tỉ USD xuất khẩu đó của chúng ta chủ yếu là nông sản thực phẩm thô, nếu làm tốt khâu chế biến, làm tốt SX theo chuỗi thì giá trị gia tăng còn rất lớn. Như cà phê hiện 1 năm Việt Nam xuất khẩu 3,5 tỉ USD nhưng bản thân chế biến chỉ có 11%, 89% còn lại là xuất sản phẩm thô.

Đấy chỉ là một ví dụ, còn rất nhiều ngành hàng, từ trái cây đến chăn nuôi, thủy sản, phụ phẩm nông nghiệp, sản phẩm chế biến mới đạt rất thấp. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp đầu tư vào khâu chế biến, sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín nâng cao giá trị.

Ba là, các chủ trương chính sách của chúng ta hiện nay đã đủ lực, đủ sức để kêu gọi doanh nghiệp vào cuộc. 63 tỉnh thành, tỉnh thành nào cũng liên tục mời gọi các nhà đầu tư. Chúng tôi theo dõi trong 3 năm qua, tất cả các xúc tiến đầu tư đều có giành một phần rất quan trọng để xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Kể cả TP Hồ Chí Minh, hiện nay GDP nông nghiệp chỉ còn 0,6% nhưng rất khát vọng và cầu thị mời gọi doanh nghiệp vào tập trung các vùng bà con nông dân để làm nên câu chuyện nông nghiệp mới.

Lâm nghiệp tiếp tục là điểm sáng khi lâm sản vẫn dẫn đầu sản phẩm xuất khẩu ngành nông nghiệp. Bộ trưởng ấn tượng gì về ngành kinh tế đặc biệt liên quan đến hàng chục triệu người, trồng và phát triển rừng?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trước hết phải nói rất tự hào ngành lâm nghiệp của chúng ta, đã thực hiện được 3 mục tiêu lớn.

Một là, đưa hệ số che phủ rừng của Việt Nam lên đến xấp xỉ 42%, trong khi Châu Á trung bình 29% và thế giới chỉ xấp xỉ 26 - 28%.

Hai là, chúng ta đã hình thành một ngành kinh tế lâm nghiệp phát triển rất rõ nét, mỗi năm khai thác gỗ ở gần 7 triệu ha rừng trồng kinh tế tới gần 20 triệu m3 gỗ nguyên liệu. Trên cơ sở đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt trên 11,3 tỉ USD.

Ba là, tạo công ăn việc làm cho gần 20 triệu lao động vừa là bán thời gian, vừa là cho sinh kế người dân. Lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế đi đầu, trụ cột ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Nông nghiệp Việt Nam chúng ta tiếp tục phát triển ở một quy mô mới

Bộ trưởng nhận định như thế nào về năm 2020. Mục tiêu của ngành nông nghiệp trong thời gian tới như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Trước hết, xác định 2020 sẽ tiếp tục là năm khó khăn cho ngành nông nghiệp. Bởi vì tác động biến đổi khí hậu đã hiện hữu ngay từ đầu năm: ĐBSCL mặn đang xâm nhập sâu, có nơi như Bến Tre đã phải công bố tình trạng khẩn cấp; Nam Trung bộ tiếp tục khô hạn, nhiều vùng không thể gieo cấy. Phía Bắc đang triển khai chuẩn bị gieo trồng 546 nghìn ha ở 11 tỉnh ĐBSH và Trung du miền núi thì 3 hồ nước lớn (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình) năm nay thiếu bình quân từ 40 - 55% lượng nước.

Thứ hai, dịch tả lợn Châu Phi tuy rằng xuống đáy nhưng chưa phải an toàn còn sâu keo mùa thu vẫn đang rình rập.

Thứ ba, thị trường nông sản gay go và khó lường vì chiến tranh thương mại toàn cầu, các quốc gia đều muốn phát triển nông sản tại chỗ, đây là áp lực cho những nước xuất khẩu như chúng ta.

Nhiều thách thức, nhưng toàn ngành vẫn phấn đấu xuất khẩu nông sản đạt 42 tỷ USD trở lên.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Nông nghiệp được quan tâm

Chưa bao giờ nông nghiệp Việt Nam được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Quốc hội đến tất cả hệ thống chính trị và đặc biệt là của các thành phần kinh tế, doanh nghiệp doanh nhân đến người dân như bây giờ.

Từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đi đâu, đến nước nào cũng nói về nông sản, thì đấy là một sự quan tâm, quan tâm đặc biệt.

Với các thành phần kinh tế, trong vòng 3 năm qua số doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp tăng gấp gần 4 lần. Người nông dân Việt Nam, tất cả các vùng miền đều rất sáng tạo.

Tất cả những sự quan tâm, cố gắng đó biến thành hành động đã tạo nên sức mạnh tổng thể, nông nghiệp Việt Nam chúng ta tiếp tục phát triển ở một quy mô mới, hội nhập sâu rộng, tái cơ cấu ngày một hiệu quả trên từng trục sản phẩm, kể cả trục sản phẩm nhóm sản phẩm quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh, và nhóm sản phẩm OCOP.

Năm 2020 chúc bà con nông dân tiếp tục có mùa màng bội thu, cải thiện cuộc sống ấm no, có được những vùng quê giàu đẹp, thanh bình, đáng sống.

(Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường)

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Kinh nghiệm 10 ngày thần tốc của Thái Lan

Cả hệ thống nông nghiệp Thái Lan đã vào cuộc, nhằm giải quyết dứt điểm việc tồn dư vàng O trên sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất