| Hotline: 0983.970.780

Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững

Thứ Ba 07/01/2020 , 09:15 (GMT+7)

Những tiền đề trong năm 2019 là điều kiện quan trọng để toàn ngành nông nghiệp hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập, giá trị gia tăng bền vững trong năm 2020 và những năm tới.

Chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức sản xuất

Năm 2019, Bộ NN-PTNT đã chủ động triển khai rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với các doanh nghiệp trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

19-01-52_1
2020 là năm được kỳ vọng làn sóng đầu tư vào nông nghiệp tiếp tục bứt phá (Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thăm vùng rau nguyên liệu xuất khẩu tại Ninh Bình năm 2019).

Đối với lĩnh vực sản xuất lúa, tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao và việc cơ cấu lại ngành hàng lúa gạo có nhiều chuyển đổi mạnh mẽ; tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 80% gạo xuất khẩu, vì vậy đã nâng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 502 USD/tấn năm 2018 lên 510 USD/tấn năm 2019. Các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường (như VietGAP, GlobalGAP...) được phổ biến nhân rộng.

Năm 2019 diện tích được chứng nhận VietGAP là 39,3 nghìn ha, trong đó, quả 22,66 nghìn ha; rau 5,99 nghìn ha; lúa 5,27 nghìn ha; chè 5,12 nghìn ha; cà phê 101 ha; cây khác 105 ha.

Trên địa bàn cả nước đã triển khai xây dựng và phát triển mô hình chuỗi với 1.484 chuỗi (tăng 388 chuỗi so với năm 2018), 2.374 sản phẩm (tăng 948 sản phẩm) và 3.267 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi nông sản ATTP theo chuỗi (tăng 93 địa điểm).

Đồng thời, Bộ NN-PTNT cùng các địa phương, doanh nghiệp đang tiến hành xây dựng các chuỗi liên kết một số sản phẩm chủ lực như: Chuỗi liên kết cá tra ba cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL; Chuỗi liên kết ngành hàng lâm sản chủ lực; Chuỗi liên kết ngành hàng lúa gạo của 10.000 hộ trồng lúa ở vùng ĐBSCL.

2019 cũng là năm mà số lượng HTX trong ngành nông nghiệp có sự phát triển nhảy vọt. Theo đó, cả nước đã thành lập mới được 6 liên hiệp HTX nông nghiệp, 1.455 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 45 liên hiệp HTX nông nghiệp, 15.434 HTX nông nghiệp trên cả nước. Trong đó có 72,89% số HTX hoạt động hiệu quả (năm 2018 là 55%), tỷ lệ HTX tham gia dịch vụ tiêu thụ nông sản cho xã viên tăng từ dưới 10% trước đây lên 24,5%.

Năm 2019, cả nước có 36.000 trang trại theo tiêu chí mới, tăng 500 trang trại so với năm 2018; các trang trại ngày càng sử dụng nhiều đất đai, lao động và sản xuất lượng nông sản hàng hóa lớn; tổ chức sản xuất theo chuỗi, hợp tác liên kết quy mô lớn tiếp tục được nhân rộng ở các lĩnh vực và nhiều địa phương.

Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và tâm huyết đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hơn, đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản.

Nền nông nghiệp Việt Nam đang có những điều kiện để tiến dần lên hiện đại.

Năm 2019, số doanh nghiệp nông lâm thủy sản thành lập mới là 2.756 doanh nghiệp, tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên 12.581 doanh nghiệp, tăng 36,23% (nông lâm thủy sản là một trong những lĩnh vực có số doanh nghiệp quay lại hoạt động cao hơn đáng kể so với lượng tạm ngừng).
 

Năm 2019, mặc dù khó khăn về thị trường, giá hầu hết các mặt hàng nông sản giảm từ 10 - 15%, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS năm 2019 dự kiến đạt 41,3 tỷ USD tăng khoảng 3,2% so với với năm 2018 (riêng lĩnh vực lâm nghiệp đạt trên 11,2 tỷ USD, tăng 19,2%). Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức kỷ lục 10,4 tỷ USD, tăng 19,3% so với năm 2018. Tiếp tục duy trì 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD; trong đó có 4 mặt hàng trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều).

Tiến lên nông nghiệp hiện đại, bền vững

Năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng, bứt phá, về đích hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2016 – 2020; nhất là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

Ngành Nông nghiệp và PTNT đặt chỉ tiêu cơ bản là: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành 2,8 - 3%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản khoảng 2,9 - 3,05%; Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ rừng 42%; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 59%; ít nhất 121 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 96%; Thành lập mới 2.000 HTX nông nghiệp; cả nước có 17.000 HTX nông nghiệp.

Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, toàn ngành xác định “Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh”; trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như:

Thực hiện có hiệu quả chính sách về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, hiệu quả với quy mô phù hợp theo từng ngành hàng, sản phẩm và thị trường.

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm; ngăn chặn lây lan, phát tán, tiến tới khống chế dịch tả lợn Châu Phi.

Tập trung thực hiện các giải pháp gỡ thẻ vàng của EC đối với ngành thủy sản. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng, sạt lở bờ sông, bờ biển.

Triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch về bảo vệ, phát triển rừng; bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có, phục hồi nhanh hệ thống rừng ngập mặn ven biển.

Ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu là tiền đề cơ bản để ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu. Tháo gỡ rào cản kỹ thuật, giải quyết có hiệu quả vấn đề kiểm dịch động, thực vật, đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng và truy xuất nguồn gốc, xuất sứ hàng hóa...

Năm 2019, công tác mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại nông lâm thủy sản được chú trọng, kịp thời giải quyết các vướng mắc để thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường tuyền thống và mở rộng thêm đối với các thị trường có tiềm năng...

Nhờ vậy đã gia tăng số doanh nghiệp được phép xuất khẩu thủy sản sang EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên bang Nga, Ả rập Xê út; 13 doanh nghiệp tiếp tục được xuất khẩu cá da trơn vào Hoa Kỳ; mở rộng xuất khẩu nông sản sang một số thị trường mới (xuất khẩu thịt gà sang Nhật; xoài, vú sữa sang Hoa Kỳ; măng cụt, sữa sang Trung Quốc; nhãn, vải sang Úc...)

Bộ NN-PTNT đã tích cực đàm phán để có thêm các loại quả tươi có giá trị cao xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc...; đồng thời, thúc đẩy xuất khẩu thịt gà chế biến đi Nhật Bản; xuất khẩu lợn sữa vào Malaysia, Hồng Kông; xuất khẩu mật ong đi EU, Hoa Kỳ.

Đã xuất lô sữa đầu tiên đi Trung Quốc trong tháng 10/2019, hoàn thành đàm phán với cơ quan có thẩm quyền của Hồng Kông (Trung Quốc) để xuất khẩu thịt lợn mảnh đông lạnh, thịt gà chế biến và tổ yến sang Hồng Kông.

Về thủy sản xuất khẩu, Mỹ đã công nhận tương đương đối với mặt hàng các da trơn Việt Nam; riêng Trung Quốc đã chấp thuận nhập khẩu 48 loài thủy sản sống và 128 loại sản phẩm thủy sản sơ chế, chế biến được từ Việt Nam.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, việc triển khai thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT và tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang lại nhiều cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 8,0%, vượt kế hoạch đề ra (6,0%). Đến nay, tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát và chứng nhận đạt 91%, tăng khoảng 2% so với năm 2018.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất