Hàng năm, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 70% số lao động là nông dân gắn bó với nông nghiệp. Vì vậy, việc hình thành các vùng lúa thâm canh chất lượng có quy mô diện tích lớn gắn với nhu cầu chế biến, phù hợp với người tiêu dùng là xu hướng tất yếu trong sản xuất lúa gạo hiện nay.
Xã miền núi Hà Tiến là một trong các xã của huyện Hà Trung thực hiện tốt chủ trương về công tác “đổi điền, dồn thửa”, đất trồng lúa hiện chỉ còn bình quân 1 - 2 thửa/hộ. Tuy nhiên, tình trạng ruộng đất manh mún, sản xuất thủ công còn phổ biến, chi phí sản xuất cao, hiệu quả thấp…
Được Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí (từ nguồn kinh phí khuyến nông địa phương), Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện phối hợp với UBND xã Hà Tiến triển khai thực hiện “Mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh lúa chất lượng, năng suất cao, gắn với tiêu thụ sản phẩm”.
Vụ thu mùa 2021, mô hình trình diễn là loại giống lúa Thanh Hương, trên diện tích 12 ha đất chân vàn tập trung tại xứ đồng Lạng, thôn Bồng Sơn, với 60 hộ tham gia thực hiện, được hỗ trợ giống, vật tư phân bón...
Thanh Hương là loại giống lúa thuần do Công ty Cổ phần Giống cây trồng Thanh Hóa chọn tạo sản xuất, thích hợp với chân đất vàn, vàn thấp chủ động nước, có khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh và sâu bệnh như sâu đục thân và bệnh khô đầu lá.
Thời gian sinh trưởng 100 - 105 ngày, tỷ lệ nảy mầm trên 95%; chiều cao cây 105 cm, số nhánh tối đa 8 nhánh/khóm, thân cứng, trổ bông tập trung, bông to dài 231 bông/m2, 6 bông/khóm, hạt chắc trên bông 132 hạt/bông; tỷ lệ xay sát cao 70 - 72%, chất lượng gạo ngon, màu trắng trong, cơm mềm, vị đậm, có mùi thơm…
Sau 5 tháng triển khai, mô hình trình diễn lúa Thanh Hương đã được Công ty TNHHDV Lựu Sướng đã tổ chức thu mua toàn bộ sản phẩm lúa tươi tại ruộng, gặt bằng máy gặt đập liên hợp.
Trên diện tích 12 ha, lúa Thanh Hương được đánh giá đạt hiệu quả kinh tế rõ rệt, được các hộ dân đồng tình ủng hộ, năng suất đạt 330 kg/sào (500m2), sản lượng 79.200 kg, giá trị đạt 46.200.000 đồng/ha, tăng 700.000 đồng/sào so với lúa tẻ khác.
Mô hình này được ứng dụng thành công sẽ giúp cho nông dân mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất lúa truyền thống manh mún sang sản xuất mới hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, sản xuất thâm canh cùng một loại giống, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong thâm canh, đưa cơ giới hóa đồng bộ vào canh tác...
Mặt khác, hình thành liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp và nhà quản lý, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra giúp nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, tạo chuỗi sản xuất hàng hóa giá trị kinh tế cao hơn.
Đồng thời, mô hình là cơ sở để đưa nhanh các tiến bộ KH-KT và công nghệ mới vào sản xuất, giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị thu nhập cho người trồng lúa, hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại và bền vững.
Thời gian tới, huyện Hà Trung tiếp tục tích cực vận động nhân dân thực hiện “đổi điền, dồn thửa”, tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lúa có quy mô diện tích lớn...