| Hotline: 0983.970.780

Xã nghèo sớm về đích nông thôn mới

Thứ Tư 13/11/2019 , 14:15 (GMT+7)

Xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) với trên 73% số hộ dân tộc Sán Dìu, sinh sống bằng nghề nông.

11-04-22_2
Ý thức tốt hơn vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường nên sản phẩm nông nghiệp làm ra tiêu thụ dễ dàng hơn.

Thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), nhân dân trong xã đã đóng góp gần 33 tỷ đồng và hiến trên 10ha đất xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần tích cực để xã về đích NMT sớm kế hoạch 2 năm.
 

Gần 80km đường về xóm

Với 22 xóm, địa bàn rộng, điều kiện tự nhiên nhiều đồi núi, trước đây, tại một số xóm xa trung tâm xã Nam Hòa, những khi mưa bão gần như tách biệt với bên ngoài, bà con phải đi bộ men theo đường bờ ruộng để ra trung tâm xã. Có xóm 100% số hộ nghèo. Ông Lê Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã chia sẻ, là xã đặc biệt khó khăn nên năm 2011 khi xây dựng NTM, địa phương luôn xác định cần hết sức nỗ lực để về đích vào năm 2020.

Chọn bước đột phá là tiêu chí giao thông, cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung tay, góp sức, đặc biệt là việc hiến đất làm đường và đối ứng kinh phí. Đáp ứng mong mỏi của người dân, 100% số xóm đều tham gia hiến đất. Toàn xã có trên 2.500 hộ dân thì hơn 1.200 hộ đã hiến hơn 10ha đất để mở rộng các tuyến đường. Như xóm Đồng Chốc với hơn 50 hộ hiến trên 4.000m2 đất, xóm đã bê tông hóa 4km đường trục xóm.

Đường giao thông cũng đã góp phần thay đổi diện mạo xóm Con Phượng, có 60 hộ dân thì có đến 80% số hộ hiến đất làm đường. Có nhiều hộ hiến cả ngàn mét vuông đất như gia đình ông Hứa Văn Thắng, ông Phùng Văn Xuân… Nếu như trước đây, người dân đi bộ ra trung tâm xã, hàng hóa làm ra tiêu thụ rất khó khăn thì nay, nhờ giao thông thuận lợi, thương lái đến tận xóm thu mua, cuộc sống đổi thay đáng kể.

Hiện tất cả các tuyến đường trục xã, liên xã, trục xóm ở Nam Hòa đều nhựa hóa và bê tông hóa, với tổng kinh phí gần 61 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 27 tỷ đồng. Đồng thời với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Đảng bộ, chính quyền xã Nam Hòa đã khuyến khích người dân đầu tư phát triển sản xuất. Nhờ đó, đời sống đổi thay rõ nét, thu nhập bình đạt gần 31 triệu đồng/người/năm (tăng 9,5 triệu đồng so với năm 2011), tỷ lệ hộ nghèo còn 11,3% (năm 2011 là 40,5%).
 

Làm giàu trên đất nghèo

Con đường bê tông mới mở dẫn chúng tôi vào vườn cây ăn quả rộng mênh mông của gia đình anh Ngô Xuân Trường, 38 tuổi, ở xóm Na Tranh. Là gương tiêu biểu của huyện Đồng Hỷ về khởi nghiệp nông nghiệp, anh Trường đã đầu tư cải tạo đồi rừng, đồi tạp thành đồi cây bạt ngàn hoa trái, thu nhập mỗi năm 600 triệu đồng.

11-04-22_1
Anh Ngô Xuân Trường, xóm Na Tranh, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, chăm sóc vườn cây ăn quả.

Tham quan khu vườn từng chùm quả đang trĩu cành, khó có thể tin mới vài năm trước, đây còn là những quả đồi bỏ hoang toàn cây dại. Bằng đôi tay và khối óc, anh Trường cần mẫn san lấp, cải tạo đất để trồng cây. Hiện vườn nhà anh có 600 cây cam, 400 cây bưởi, 200 cây táo, 700 cây ổi, 5.000 gốc thanh long, gần 3ha chè, hàng năm thu nhập 600 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 6 lao động.

Anh Trường tâm sự: "Tôi là con thứ ba trong nhà 6 anh em trai. Bố mẹ làm nghề nông, đông con nên cuộc sống rất vất vả. Sao khi xây dựng gia đình, tôi được bố mẹ chia cho mấy khoảnh ruộng, quả đồi để “làm vốn” làm ăn. Vợ chồng tôi “xoay” đủ nghề, từ chăn nuôi lợn, gà, làm vườn. Những năm sau này, khi bắt tay vào xây dựng NTM, xã có nhiều chương trình, chính sách để hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Bản thân tôi tích cực tham gia chương trình thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, mạnh dạn tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích cực tham quan, học tập các mô hình sản xuất, nên bàn với vợ vay vốn đầu tư trồng cây ăn quả. Ngay như đường bê tông vào tận vườn nhà, cũng được xã đối ứng xi măng nên mới đủ “lực” để làm".

Không chỉ phấn khởi vì đường làng xóm ngõ khang trang, trường, chợ được xây dựng mở mang, điều khiến anh Trường tâm đắc là ý thức người dân về sản xuất an toàn. Đối với anh, an toàn vệ sinh thực phẩm là sự sống còn, vì hoa quả ăn trực tiếp, ít qua chế biến nếu không an toàn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng và mất uy tín nhà vườn.

Cùng với phát triển cây ăn quả, một số hộ gia đình đầu tư vào chăn nuôi. Mô hình chăn nuôi gà sinh học với 2.000 con ở xóm Ngòi Trẹo có 6 hộ dân tham gia. Chị Phạm Thị Nhâm, một hộ nghèo tham gia mô hình, cho biết chị có 300 con gà ta nuôi theo quy trình an toàn do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức. Gà nhanh lớn, chất lượng thịt đảm bảo, sau 3 tháng, đạt từ 2,5- 3kg/con. Nếu bán hết, thu được khoảng 80 triệu đồng, trừ các chi phí lãi 50 triệu.

Các xóm 135 xưa kia của xã nghèo Nam Hòa giờ đây đã không còn hiếm “đại gia”, nhiều hộ đã mua được xe ô tô. Ông Lê Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã tự hào cho biết, người dân trong xã đã yên tâm cùng nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tăng cường tình đoàn kết, xây dựng gia đình, làng bản văn hóa ngày càng phát triển.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thanh Trì sáng tạo lan tỏa các sản phẩm OCOP

Thời gian vừa qua huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP.