Lập nhóm Zalo để gỡ khó
Tại Hội nghị, 20 chủ trang trại được mời tới tham dự để nghe dự thảo Nghị định, đồng thời chia sẻ những câu chuyện thực tế, những khó khăn và những mong muốn, kỳ vọng đối với Nghị định đang được soạn thảo.
Anh Trịnh Ngọc Tiệp, một chủ trang trại tại Hưng Yên, trình bày với Bộ trưởng Lê Minh Hoan rằng, trang trại của anh trồng nhãn và định hướng phát triển du lịch trang trại, nông nghiệp. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đất đai, anh không được phép xây dựng các công trình trên đất như nhà lưu trú và các công trình phụ trợ để khách ngủ lại, trải nghiệm tại trang trại nhãn của mình. Đây là một trong những tồn tại, khó khăn mà mô hình kinh tế trang trại đang gặp phải.
Lắng nghe câu chuyện của anh Tiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn lập nhóm Zalo kết nối với các chủ trang trại, lãnh đạo các Sở NN-PTNT có mặt tại Hội nghị để trao đổi, chia sẻ thông tin, tháo gỡ các khó khăn, tồn tại của kinh tế trang trại, từ đó xây dựng Nghị định thực chất, hiệu quả.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan tâm sự: “Tôi muốn chia sẻ với bà con, đó là hãy làm tốt nhất cái gì mình đang làm, sau khi tốt rồi sẽ làm tốt hơn nữa ở những bước tiếp theo. Đây là một quá trình chứ không phải ngày một ngày hai. Ví như đang có ngần này diện tích đất đai, hãy làm tốt phần diện tích đó. Khi có điều kiện làm tốt cho diện tích đó rồi, đủ bản lĩnh, đủ thời gian mới tính đến mở rộng tiếp, đừng cùng một lúc mở rộng, sẽ rủi ro lắm.
Thứ hai, là cần tích hợp đa giá trị, làm kinh tế, phát triển thị trường. Tham gia vào các hội nhóm để đi cùng nhau, không đi lẻ, đừng đi lủi thủi một mình”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn phải xây dựng nghị định thực chất. Chúng ta phải hình dung được một trang trại nó như thế nào; phải có đường hướng, chiến lược, phương án sản xuất kinh doanh. Nếu làm không tới đâu sẽ không tháo gỡ được những khó khăn cho các chủ trang trại. Xây dựng Nghị định phải mở không gian cho kinh tế trang trại phát triển.
Đất đai quan trọng nhất
Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh, rất nhiều những khó khăn, tồn tại, hạn chế liên quan đến kinh tế trang trại hiện nay cần được tháo gỡ, như tính tự phát, thiếu sự phối hợp và hỗ trợ quản lý của cơ quan quản lý nhà nước...
Quy mô sản xuất, chất lượng lao động, năng lực quản trị, khả năng tài chính, hiểu biết về thị trường, khoa học kỹ thuật và quản lý của nhiều chủ trang trại còn hạn chế.
Số lượng trang trại ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao chưa nhiều, chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công truyền thống. Sản phẩm chưa đa dạng, chất lượng chưa cao và không ổn định, chưa qua chế biến, bán ra chủ yếu dưới dạng thô hoặc tươi sống, chưa xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, mã số, mã vạch sản phẩm hàng hóa...
Ngoài ra, số trang trại liên doanh, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều, nếu có liên kết thì mối liên kết chưa bền vững. Các trang trại kết hợp du lịch hầu hết phát triển tự phát, không có quy hoạch, chưa có giấy phép hoạt động du lịch, lao động không được đào tạo nên thiếu kiến thức và kỹ năng làm du lịch...
Bên cạnh đó, các quy định, chính sách pháp luật về trang trại chưa đồng bộ; quy định hạn điền gây cản trở lớn trong việc mở rộng quy mô sản xuất của các trang trại; quy định về xây dựng các công trình phục vụ sản xuất kinh doanh trên đất nông nghiệp và cho phép các trang trại được chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để xây dựng kết cấu hạ tầng chưa rõ ràng; chưa có quy định về việc kết hợp các hoạt động du lịch và sản xuất phi nông nghiệp trong các trang trại nông nghiệp...
Bà Nguyễn Thị Mai Hiên - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) đánh giá, để phát triển được trang trại, quan trọng nhất là đất đai. Đó là yếu tố quan trọng nhất của sản xuất. Đất của trang trại có rất nhiều nguồn gốc (đất ông cha để lại; đất được giao; đất thuê của HTX, đất lâm nghiệp được giao...). Tâm lý chung, ai cũng mong muốn được cấy Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất để yên tâm đầu tư.
Ngoài ra, cần tăng thời gian cho thuê đất trang trại từ 5 năm lên 10 năm để có chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế trang trại; phát triển mô hình làm nông nghiệp kết hợp với các mục đích khác.
Bà Mai Hiên cho rằng, Dự thảo Nghị định nên phân loại trang trại làm 2 nhóm: trang trại nông nghiệp và trang trại kết hợp (làm du lịch…) sẽ thuận tiện hơn cho các chủ trang trại, thuận lợi cho nhà quản lý, cơ quan quản lý.
Thứ ba, đó là trang trại muốn làm du lịch có được xây dựng các công trình đẻ làm du lịch hay không, như nơi lưu trú… để khách ở lại trải nghiệm. Dự thảo Luật đất đai sửa đổi đã cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, điều này sẽ thuận lợi cho mục đích phát triển nông nghiệp.
“Nên xác định trang trại là một chủ thể của kinh tế nông nghiệp. Với Nghị định sửa đổi sẽ cấp Giấy chứng nhận cho trang trại để được hưởng các ưu đãi như các chủ thể khác”, bà Nguyễn Thị Mai Hiên - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế.