Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân là trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức của cả hệ thống chính trị, của những người làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước, của doanh nghiệp và của người dân. Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn từ nay tới năm 2030.
Thời gian qua, hàng trăm dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (khoảng 7,8 triệu m2) được hoàn thành, giúp hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện chỗ ở. Xác định đây là nhu cầu bức thiết, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận xét quá trình triển khai thực hiện các chính sách liên quan còn một số tồn tại, hạn chế.
Cụ thể, đối tượng tham gia, thụ hưởng; trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, quản lý mua - bán nhà ở xã hội chưa được hoàn thiện kịp thời; các chính sách ưu đãi phải thực hiện qua nhiều bước nên thời gian bị kéo dài; không gian phát triển nhà ở xã hội còn chật hẹp so với yêu cầu; Ngân sách Nhà nước chưa bố trí được kịp nguồn vốn ưu đãi cho vay; nhiều địa phương chưa phủ kín quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội, thậm chí chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.
Để khắc phục, Thủ tướng nêu 5 định hướng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong thời gian tới.
Thứ nhất, phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân là trách nhiệm, nghĩa vụ, đạo đức của cả hệ thống chính trị, của những người làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước, nhất là những người đứng đầu các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.
Thứ hai, Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp, các đối tượng khó khăn theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp tại đô thị, khu công nghiệp.
Thứ ba, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân gắn với phát triển thị trường bất động sản, phù hợp với kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, phù hợp với điều kiện của từng nơi.
Thứ tư, các Bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố phát triển toàn diện nhà ở xã hội; đồng thời coi đây là nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Thứ năm, xây dựng và hoàn thiện quy định về phát triển các khu nhà trọ với quy chuẩn, điều kiện về không gian, vệ sinh, môi trường phù hợp, ngày càng văn minh. Các cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn trong phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động.