Thành tựu trong xây dựng nông thôn mới
Thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang hiện có 14 đơn vị hành chính, gồm 5 phường và 9 xã. Trong những năm qua, thị xã Tân Châu, đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc xây dựng nông thôn mới và phát triển các sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Những nỗ lực này đã góp phần thay đổi diện mạo địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Đến nay, có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, xã Long An và Phú Vĩnh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 phường đạt chuẩn văn minh đô thị. Đây là kết quả của sự nỗ lực từ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 đến nay.
Ông Đặng Văn Nê, Phó Chủ tịch UBND thị xã Tân Châu cho biết: Quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của thị xã Tân Châu ngày càng đi vào thực chất, đạt nhiều kết quả thiết thực, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp. Đặc biệt trong đó đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện và được nâng cao.
Cùng với đó, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt kết quả quan trọng, cảnh quan môi trường nông thôn được cải thiện. Nhiều địa phương tích cực, chủ động, sáng tạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân, huy động nhiều nguồn lực triển khai chương trình.
Để đạt được những kết quả này, thị xã Tân Châu đã huy động tổng nguồn lực trên 250 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước gần 230 tỷ đồng, còn lại là sự đóng góp của người dân và các nguồn lực khác. Bên cạnh đó, nhờ xây dựng nông thôn mới chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở được nâng lên, dân chủ được phát huy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn được giữ vững. Niềm tin của nhân dân đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền được củng cố.
Ông Đặng Văn Nê nhấn mạnh, một trong những mục tiêu quan trọng trong xây dựng nông thôn mới là phát huy dân chủ cơ sở, xây dựng niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Việc này, các địa phương trên địa bàn đã làm và đạt yêu cầu đề ra với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" và "Xây dựng nông thôn mới từ cơ sở, từ nhân dân”… được triển khai thực hiện rất tốt tại các xã trên địa bàn, từ đó vai trò của nhân dân được phát huy.
Phát triển sản phẩm OCOP, đòn bẩy kinh tế địa phương
Tính đến nay, Tân Châu có 13 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 10 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.
Các sản phẩm OCOP tiêu biểu của Tân Châu bao gồm, tương hột và tương xay Thanh Hồ, được sản xuất bởi Công ty TNHH SX-TM Thanh Hồ, phường Long Thạnh, đạt OCOP 4 sao. Mắm cá mè vinh là sản phẩm của hộ kinh doanh sản xuất mắm Bà Sáu, phường Long Phú, đạt OCOP 4 sao. Mắm cá mè vinh là đặc sản truyền thống, mang hương vị đặc trưng của vùng sông nước An Giang tạo nên hương vị độc đáo và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Tung lò mò Anas và Lò mò Pđăm Anas, sản phẩm của cơ sở sản xuất - kinh doanh lò mò Anas, xã Châu Phong, đạt OCOP 3 sao. Đây là món ăn truyền thống của đồng bào Chăm, được chế biến từ thịt bò với hương vị độc đáo, thu hút sự quan tâm của du khách.
Ngoài ra còn có các sản phẩm đạt OCOP 3 sao khác như: Dưa lê Tài Lộc, rượu gạo Năm Méo, muối tôm miền tây Kim Giang, mắm cá lóc ông Ba Lộc, ớt tươi Thanh Lâm, Snack bưởi (Công ty TNHH TM DV Đại Hồng Tiến)....
Việc phát triển các sản phẩm OCOP không chỉ giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương mà còn mở ra cơ hội kinh doanh, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Chị Trần Thị Kim Ngân, đại diện hộ kinh doanh mắm cá lóc ông Ba Lộc, chia sẻ: “Việc sản phẩm mắm cá mè vinh Ông Ba Lộc được chứng nhận OCOP 3 sao đã giúp chúng tôi mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo thêm thu nhập cho gia đình. Chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến và đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.
Ông Đặng Văn Nê, Phó Chủ tịch UBND thị xã Tân Châu, nhận định: Chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển sản phẩm OCOP đã mang lại những thay đổi tích cực cho địa phương. Cơ sở hạ tầng được cải thiện, đời sống người dân nâng cao, kinh tế phát triển bền vững. Trong thời gian tới, Tân Châu sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình này, tập trung vào chất lượng và hiệu quả, nhằm đưa địa phương trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang.
Thị xã Tân Châu đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu trong giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, địa phương sẽ tập trung hỗ trợ các chủ thể OCOP nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.
Việc xây dựng nông thôn mới và phát triển sản phẩm OCOP tại Tân Châu không chỉ mang lại diện mạo mới cho vùng biên giới Tây Nam mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Theo ông Phạm Thái Bình, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh An Giang, tính đến tháng 11/2024, An Giang đã đạt 165 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên. Trong đó, nổi bật có 2 sản phẩm đạt 5 sao quốc gia và 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Các sản phẩm này không chỉ giúp chuẩn hóa hồ sơ, cải tiến bao bì, mẫu mã mà còn gia tăng giá trị thông qua các hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại.
Chương trình OCOP tại An Giang đang từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Với sự đồng hành của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, các sản phẩm OCOP không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn đóng góp vào việc bảo tồn bản sắc văn hóa, bảo vệ môi trường và xây dựng nền kinh tế nông thôn bền vững.