Tối ngày 18/12, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng Đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về kết quả và định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, qua 5 năm triển khai thực hiện kế hoạch tái cơ cấu, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai luôn duy trì ở mức tăng trưởng khá. Năm 2021, tỷ trọng của ngành nông nghiệp chiếm 34,96% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, giá trị sản xuất đạt 31.987 tỷ đồng, tăng 5,97% so với năm 2020. Trong đó, giá trị sản xuất trồng trọt đạt 26.144,7 tỷ đồng, tăng 4,04% so với năm 2020, chiếm tỷ trọng 81,7% trong cơ cấu ngành.
Lĩnh vực ngành chăn nuôi hiện đang phát triển theo hướng chuyển dịch dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung, quy mô công nghiệp. Năm 2021, giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 5.002,1 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 15,64% trong toàn ngành nông lâm thủy sản.
Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 13 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được thu hút đầu tư trong lĩnh vực trồng trọt, trong khi đó chăn nuôi có 10 dự án.
Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành được 18 khu sản xuất tập trung có ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 3.490 ha với các sản phẩm chính như: chuối, bơ, sầu riêng, thanh long, ớt, hồ tiêu, cà phê, rau hoa.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 231.000 ha diện tích các loại cây trồng thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Theo đánh giá, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã từng bước đi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hình thành các chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Trong giai đoạn 2021-2025, Gia Lai sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp, nhất là hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đồng thời hình thành các liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông, lâm và thủy sản. Lấy liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm làm trung tâm của quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết, Gia Lai có rất nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp từ khí hậu cho đến đất đai. Địa phương đang quyết tâm làm thế nào để trong 5 năm tới phải khai thác được những tiềm năng để phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến. Muốn làm được việc này, ngoài việc định hướng của tỉnh thì cần phải có sự đầu tư của doanh nghiệp và người dân để tạo nên hệ sinh thái phát triển nông nghiệp bền vững.
Cũng theo ông Thành, diện tích trồng cao su ở Gia Lai vẫn còn rất lớn khoảng gần 90 ngàn ha nhưng năng suất rất thấp. Chính vì vậy, Gia Lai đang tính toán lại một số qũy đất trồng cao su để chuyển đổi sang chăn nuôi hoặc trồng các loại cây khác có giá trị cao hơn.
Một vấn đề khác là lĩnh vực logistics ở địa bàn Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung gần như chưa có, đặc biệt là các kho bảo quản. Chính vì vậy, Gia Lai rất mong muốn Bộ NN-PTNT hỗ trợ thông qua việc kêu gọi đầu tư hoặc có những cơ chế để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này.
Đánh giá về tiềm năng phát triển nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, với nhiều lợi thế khi có sẵn nguồn lực đất đai dồi dào cũng như những điều kiện thuận lợi về giao thông, Gia Lai cần trở thành trung tâm nông sản của khu vực Tây Nguyên.
Ngoài ra, Gia Lai nên tăng cường kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi nhưng phải cẩn trọng với những tác động của môi trường. Với những doanh nghiệp lớn họ sẽ đầu tư vào công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường. Bởi các doanh nghiệp hiểu rằng, những sản phẩm khi xuất khẩu ra nước ngoài thì vấn đề được người tiêu dùng quan tâm không chỉ là chất lượng mà còn còn liên quan đến nhưng tác động môi trường. Từ những vấn đề đó, Gia Lai cần xây dựng nông nghiệp trên nền tảng gắn với thương hiệu "Gia Lai xanh".
Đặc biệt, Gia Lai nên tận dụng những tiềm năng, diện tích rừng để tạo ra bước ngoặt, bứt phá về sản phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương.
“Bộ NN-PTNT sẽ trình với Chính phủ để chính thức hóa việc phát triển kinh tế dưới tán rừng thông qua các mô hình trồng dược liệu, nấm, chăn nuôi, tạo sinh kế cho người dân”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Đối với hạ tầng logistics, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về việc ưu tiên đầu tư cho 2 vùng trọng điểm nông sản là Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Nếu 2 vùng trọng điểm này bị đứt gãy trong việc vận chuyển sẽ dẫn đến nông sản bị ách tắc, gây tổn thất rất lớn cho nền kinh tế.