| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao tại Sơn La thành mô hình mẫu

Thứ Ba 01/08/2023 , 17:19 (GMT+7)

Đề án Trung tâm Trình diễn mô hình và chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp tỉnh Sơn La được nghiên cứu triển khai tại huyện Mộc Châu, trên quy mô khoảng 70ha.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì buổi làm việc với Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì buổi làm việc với Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Chiều 1/8, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT làm việc với Học viện Nông nghiệp Việt Nam về đề án xây dựng Trung tâm Trình diễn mô hình và chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp tỉnh Sơn La.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, thời gian qua Học viện đã hợp tác chặt chẽ và có nhiều dự án, chương trình triển khai trên địa bàn tỉnh Sơn La như phát triển kinh tế HTX, xây dựng mô hình thức ăn chăn nuôi, quy hoạch phát triển cây chè, các vấn đề về chính sách.

"Tất cả nhằm cải thiện chỉ số cạnh tranh của Sơn La, đưa địa phương trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp, chế biến sâu của khu vực Tây Bắc", bà Lan nói.

Theo người đứng đầu Học viện Nông nghiệp Việt Nam, vừa qua bên lề một hội nghị phát triển nông nghiệp cho 5 tỉnh Tây Bắc được tổ chức tại Sơn La, một số Sở, ban, ngành đã đề nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu thí điểm xây dựng một khu nông nghiệp công nghệ cao đặt tại huyện Mộc Châu.

Mộc Châu được xem là cửa ngõ của tỉnh Sơn La, nơi đây có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi để phát triển chăn nuôi và một số vùng cây ăn quả. Huyện cũng là nơi đóng chân của nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp lớn như TH, Vinamilk...

Trên cơ sở đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ cho Sơn La gồm cung cấp các cây đầu dòng, phát triển một số loài hoa lan.

"Với những lợi thế sẵn có, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có nhiều điều kiện để thực hiện đề án phát triển trung tâm nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài quyết tâm của các cấp, các ngành mà trực tiếp là Bộ NN-PTNT và tỉnh Sơn La, chúng tôi cho rằng cần có những ý tưởng đột phá để thực hiện đề án", bà Lan chia sẻ.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Học viện có nhiều thuận lợi để triển khai đề án tại Sơn La. Ảnh: Tùng Đinh.

GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Học viện có nhiều thuận lợi để triển khai đề án tại Sơn La. Ảnh: Tùng Đinh.

Hiện cả nước có 22 khu nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, hiện không có nhiều đơn vị phát triển vào thực chất, đủ cơ sở để tạo niềm tin cho bà con nông dân, doanh nghiệp tìm đến khi có nhu cầu về giống, chuyển giao công nghệ.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng chỉ rõ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là đơn vị "phù hợp" để xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, bởi lực lượng nhà khoa học đông đảo, có điều kiện để cập nhật liên tục công nghệ mới, đồng thời sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao - các sinh viên đã và sắp ra trường.

Thứ trưởng định hướng, Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao tại Sơn La cần được xây dựng thành 3 vùng. Một là vùng lõi nền tảng, là nơi chắp cánh cho các ý tưởng khởi nghiệp, nghiên cứu. Hai là vùng ứng dụng, lan tỏa ý tưởng. Ba là vùng sản xuất quy mô lớn, sẽ kết hợp với một số doanh nghiệp, HTX.

"Làm phải có kết quả, kết quả phải đi vào thực chất. Cần xây dựng trung tâm này thành hình mẫu để cả nước học tập", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Dựa trên căn cứ này, Học viện Nông nghiệp Việt Nam trình bày ý tưởng về xây dựng trung tâm. Trong đó, khu nông nghiệp công nghệ cao tại Sơn La sẽ gồm 8 module. Từng module trong trung tâm sẽ đảm nhiệm chức năng phát triển chăn nuôi, trồng trọt, nông nghiệp thông minh, dự báo thông tin thị trường.

Phía Học viện đề xuất, cần xây dựng những dịch vụ đi kèm phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ, phục vụ được đa dạng đối tượng từ người dân đến doanh nghiệp, giúp trung tâm đảm bảo nguồn thu, đồng thời tạo tiền đề phát triển bền vững.

Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông tham quan các gian hàng nông sản trong chương trình hợp tác với Học viện Nông nghiệp Việt Nam về phát triển nông nghiệp xanh. Ảnh: VNUA.

Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông tham quan các gian hàng nông sản trong chương trình hợp tác với Học viện Nông nghiệp Việt Nam về phát triển nông nghiệp xanh. Ảnh: VNUA.

Tham mưu cho lãnh đạo Bộ NN-PTNT về kế hoạch triển khai xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Văn Đức đề xuất, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nên lồng ghép việc xây dựng đề án với các chiến lược, kế hoạch lớn của Bộ NN-PTNT và địa phương.

Ông Đức đánh giá, Sơn La có nhiều tiềm năng, lợi thế về đất đai, đã hình thành được vùng chuyên canh cây ăn quả, nhưng cũng còn nhiều thách thức về vấn đề xử lý về môi trường, phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt, việc thu hút nhân tài về Sơn La cần được tính toán kỹ.

Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Thị Thu Hương nêu ý kiến, rằng Sơn La là vùng sản xuất cây ăn quả lớn nhưng công tác xử lý kiểm dịch thực vật tại chỗ cho hàng hóa xuất khẩu còn hạn chế. Vì vậy, bên cạnh những công nghệ lõi, Học viện có thể nghiên cứu một số giải pháp có tính ứng dụng cao cho địa phương như nuôi thiên địch và các tác nhân phòng trừ sinh vật gây hại để phục vụ cho các vùng rau quả.

Đánh giá cao ý tưởng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long băn khoăn về kinh phí triển khai đề án. Ông gợi ý, Học viện có thể xem xét huy động các nhà đầu tư tiềm năng, tâm huyết để cùng tìm hiểu, phối hợp đầu tư.

Lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tái khẳng định quyết tâm xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao tại Sơn La. Qua buổi làm việc chiều 1/8, ông giao Học viện Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện dự thảo đề án theo hướng nêu rõ căn cứ pháp lý và tại sao lại chọn Sơn La làm nơi triển khai xây dựng. 

Để đề án đi sâu, bám sát vào thực tiễn, Thứ trưởng chỉ đạo tổ soạn thảo đề án tham khảo kinh nghiệm quốc tế, ở những nước lân cận, hoặc có điều kiện tương đương Việt Nam. Từ những mô hình cụ thể, đã đi vào hoạt động tại châu Âu, châu Á, lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu phía Học viện xây dựng một đề án hoàn chỉnh, trong đó nêu rõ thời gian, kinh phí và các đề xuất khi triển khai.

“Phải làm thế nào để khi đi vào hoạt động, trung tâm phải sống được bằng công nghệ, trí tuệ và cạnh tranh được với quốc tế”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh việc cân đối các nhu cầu nội tại, ông kêu gọi các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ NN-PTNT nghiên cứu kỹ những thách thức của ngành nông nghiệp, từ đó tham mưu thêm để đề án có thể bắt kịp xu thế thế giới trong 15 - 20 năm nữa. Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo tổ chức hội thảo và mời các cơ quan liên quan của tỉnh Sơn La tham gia.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, GS.TS Nguyễn Thị Lan khẳng định sẽ tích cực phối hợp với các bên liên quan để xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao tại Sơn La thực sự đạt được tầm vóc mà Bộ NN-PTNT kỳ vọng. Đồng thời, quá trình triển khai có thể được chia thành nhiều giai đoạn, sao cho sát với tình hình thực tế và các quy hoạch của ngành, của địa phương.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất