Từng bước chiếm lĩnh thị trường quốc tế
Ngày 16/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp về một số nội dung liên quan đến xuất khẩu thịt gia cầm chế biến qua nhiệt.
Cuộc họp là hoạt động đầu tiên của Bộ NN-PTNT trên tinh thần tiếp thu và triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại Hội nghị trực tuyến thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 ngày 13/9 vừa qua.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đối tới các tỉnh thành phía Nam, trong đó ngành chăn nuôi gia cầm đã bị chi phối, tác động rất mạnh.
Thứ trưởng đặt vấn đề: “Quy mô đàn gà công nghiệp của cả nước trong 1 năm ước đạt khoảng 140 triệu con. Trong khi thời gian chăn nuôi gà chỉ cần hơn tháng là có thể đưa đi chế biến, tiêu thụ. Để giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh, ngày 13/9 vừa qua Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành, địa phương để giải quyết 3 nội dung lớn là sản xuất, lưu thông, xuất khẩu”.
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) về xuất khẩu thịt gà chế biến từ Việt Nam sang các nước, tháng 6/2017, Nhật Bản đã đồng ý cho Công ty Koyu & Unitek của Việt Nam được xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường này. Từ đó đến nay, Công ty Koyu & Unitek vẫn xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến sang Nhật Bản với khối lượng khoảng 250 - 300 tấn/tháng.
Ngày 16/10/2018, Cục Thú y Nhật Bản có thư chính thức thông báo đồng ý nhập khẩu thịt gà chế biến của Nhà máy chế biến sản phẩm thịt Hà Nội của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam (Công ty C.P. Việt Nam).
Ngày 2/10/2019, Cục Thú y Hồng Kông đã chấp thuận nhập khẩu thịt gà chế biến của Việt Nam, trong đó có Công ty TNHH CPV Food (thành viên của Công ty C.P Việt Nam) tại Bình Phước.
Ngày 5/3/2020, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm thịt gà chế biến từ Nhà máy chế biến sản phẩm thịt Hà Nội của Công ty C.P. Việt Nam.
Ngày 18/6/2021, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga tiếp tục cấp phép cho Công ty TNHH CPV Food được xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường Liên bang Nga và các nước trong Liên minh kinh tế Á Âu (bao gồm: Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan).
Vùng an toàn dịch bệnh là yếu tố quyết định
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý, để có thể đảm bảo việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện nay, các đơn vị phải có những giải pháp cụ thể vì thời điểm hiện tại, thực phẩm có thể dư thừa nhưng sắp tới sẽ có khả năng thiếu hụt, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán.
Theo Thứ trưởng, hiện số lượng vacxin Covid-19 dành cho lực lượng phục vụ trong chuỗi sản xuất nông sản trên cả nước còn rất ít. Để nông nghiệp thực sự là trụ đỡ của nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn, sắp tới tỉnh Bình Phước cần ưu tiên lực lượng này.
Thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã tạo điều kiện cho Công ty C.P. Việt Nam triển khai xây dựng 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi, 4 nhà máy giết mổ, 6 trại con giống, 10 trại nuôi thương phẩm và 1 nhà máy thuốc thú y. Qua đó, Thứ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện để Công ty C.P. Việt Nam đảm bảo tiến độ sản xuất trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị tỉnh Bình Phước phối hợp chặt chẽ với Cục Thú y và Công ty C.P. Việt Nam để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh vì đó là yếu tố mang tính quyết định trong xuất khẩu.
“Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, nếu chúng ta giải quyết được đầu ra theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo đà tăng trưởng cho nông nghiệp, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn, xuất khẩu của nông nghiệp đạt được mục tiêu đề ra”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.
Đối với Cục Thú y, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu đảm bảo việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đúng tiến độ.
Công tác xúc tiến thương mại trong hoàn cảnh giá bán giảm mạnh đã thu được những kết quả bước đầu, theo đó cần tiếp tục triển khai và tạo điều kiện cho Công ty C.P. Việt Nam vì trong lúc này, xuất khẩu cũng là giải pháp để giải quyết lượng hàng hóa tồn đọng.
Thứ trưởng cho rằng, việc phòng chống dịch bệnh cả trên cạn và dưới nước cần được Cục Thú y quan tâm để 2 ngành chăn nuôi và thủy sản đảm bảo sản xuất.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, Công ty C.P. Việt Nam đã tham gia sản xuất tại Việt Nam từ lâu và có nhiều đóng góp về công nghệ, thị trường, sản phẩm, quản lý cho ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. C.P. Việt Nam đã đầu tư nguồn lực không nhỏ với những chuỗi sản xuất quy mô lớn tuy nhiên số lượng sản phẩm được sản xuất hiện nay vẫn rất ít và không tương xứng với công suất.
Từ đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã yêu cầu Công ty C.P. Việt Nam quan tâm đến 3 vấn đề lớn trong thời gian tới. Thứ nhất, phải quan tâm, đảm bảo đúng tiến độ xây dựng các trại con giống, trại nuôi thương phẩm. Thứ hai, phải phối hợp chặt chẽ với Cục Thú y và địa phương để đáp ứng đầy đủ những quy định về vùng an toàn dịch bệnh. Thứ ba, phải tìm hiểu kĩ nhu cầu của những thị trường xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, đơn vị này đã phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước và Công ty TNHH CPV Food lên kế hoạch tổ chức xây dựng các huyện và cơ sở an toàn dịch bệnh. Trong tháng 10/2021, trên địa bàn tỉnh Bình Phước sẽ có tổng cộng 4 cơ sở và huyện Đồng Phú đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn dịch bệnh.
Tận dụng, nắm bắt mọi cơ hội xuất khẩu gia cầm
Theo ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, nếu Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu phải đồng thời đáp ứng được những yêu cầu của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và thị trường mà chúng ta hướng tới.
“Đến nay Việt Nam đã được phép xuất khẩu gia cầm sang 7 quốc gia trên thế giới. Để có thể mở rộng thị trường là việc rất khó khăn. Chính vì thế, nếu đã có được thị trường, chúng ta phải tận dụng cơ hội. Tránh để đến khi hàng hóa dồi dào, thậm chí ùn ứ do dịch bệnh như hiện nay lại không có thị trường quốc tế để tiêu thụ”, Cục trưởng Phạm Văn Đông nêu vấn đề.
Ông Đông cũng cho biết, thời gian tới Cục Thú y sẽ rà soát lại toàn bộ thị trường để lên kế hoạch cụ thể tiêu thụ với từng quốc gia nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Trước mắt sẽ là thị trường Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia, Myanmar…
Những thị trường khó tính còn lại sẽ cần thời gian để lên kế hoạch và chuẩn bị kĩ càng hơn. Đồng thời cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam với cơ quan quản lý và doanh nghiệp các nước.
Cục trưởng Cục Thú y thông tin thêm, hiện nay, đối với thị trường Nhật Bản, giấy phép xuất khẩu của Nhà máy chế biến sản phẩm thịt Hà Nội (Công ty C.P.Việt Nam) đã hết hạn do trong thời hạn 2 năm kể từ ngày được cấp phép, Công ty đã không thực hiện xuất khẩu lô hàng nào vào thị trường này.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty C.P. Viêt Nam cho biết, thời gian tới, thị trường Nhật Bản sẽ là một trong những mục tiêu chính mà Công ty TNHH CPV Food tại Bình Phước hướng đến.