Bà Nguyễn Thị Đa, Giám đốc Công ty TNHH Phước Đa (xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, Bình Định) cho biết, ngoài nhà máy doanh nghiệp mới xây dựng tại Bình Thuận vừa hoàn thành phải đóng cửa, nhà máy tại xã Phước Thắng của doanh nghiệp hoạt động bấy lâu nay cũng phải cầm chừng mấy ngày nay bởi gà giống không bán được.
“Hiện gà giống 1 ngày tuổi công ty bán thấp kỷ lục 4.000 đồng/con, nhưng tiêu thụ cũng không được. Nếu có khách hàng mua gà giống trong thời điểm này, công ty phải chấp nhận khoản chi phí vận chuyển cao ngất. 1 con gà giống hiện chúng tôi chỉ bán có 4.000 đồng nhưng đã mất tiền vận chuyển 2.000 đồng/con. Đó là nói vận chuyển số nhiều, nếu khách hàng mua số lượng ít mỗi con gà giống phải gánh tiền vận chuyển đến hơn 2.000 đồng/con. Hiện nay, dù tiêu thụ gà giống không có lãi nhưng công ty cũng phải bán để giải quyết lượng gà tồn đọng và để giữ mối hàng về sau”, bà Đa chia sẻ.
Ông Cao Văn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh cho biết, hiện sản lượng gà giống doanh nghiệp cung cấp ra thị trường đã giảm đến 90% do anhrh ưởng của đại dịch Covid-19 khiến lưu thông gà giống, gà thịt khó khăn cộng giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao.
“Thị trường tiêu thụ chính của chúng tôi là miền Nam, nhưng hiện 19 tỉnh, thành trong đó đang phải giãn cách xã hội . Do đó, trước khi chở thức ăn chăn nuôi đi, tài xế phải được test nhanh Covid-19, chi phí tối thiểu 135.000 đồng/lần. Rồi sau khi chở hàng về, tài xế phải cách ly theo quy định. Trong khi tiền công chở 1 chuyến hàng không bao nhiêu nên không còn tài xế nào mặn mà đi chở hàng", ông Khanh giải thích.
Cứu cánh trong việc tiêu thụ gà giống của Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh hiện nay là hệ thống nuôi gà gia công. Theo ông Khanh, thời gian qua, công ty đã thiết lập được mạng lưới nuôi gà thịt gia công tại nhiều tỉnh trên cả nước, đồng thời hợp tác với 5 doanh nghiệp lớn để nuôi gà gia công.
Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên nhân viên không thể đi kiểm tra được nên thời điểm này doanh nghiệp chưa dám nâng công suất trang trại nuôi gà thịt gia công trong hệ thống. Thêm vào đó, hiện gà không tiêu thụ được tại thị trường miền Nam, nên các cơ sở và đối tác nuôi gia công cho Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh cũng tạm ngưng nhập giống.
Sản phẩm bán không được, hiện hầu hết các doanh nghiệp sản xuất gà giống ở Bình Định phải ngưng hoạt động ấp gà. Tuy nhiên, lượng trứng mà đàn gà bố mẹ đẻ ra mỗi ngày cũng đang là cơn “đau đầu” của doanh nghiệp về khâu tiêu thụ. Đơn cử như Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh hiện chưa biết xử lý như thế nào với 100.000 quả trứng gà đẻ ra mỗi ngày.
“Khác với trứng thương phẩm, trứng giống khó bán ra thị trường hơn bởi với nhiệt độ nắng nóng như hiện nay chỉ vài ngày là trứng tạo phôi, lòng đỏ lộn với lòng trắng nên người tiêu dùng không ăn được nên thực sự chúng tôi cũng chưa tìm được giải pháp tối ưu”, ông Cao Văn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh tâm sự.