Nghề săn chuột đồng giúp gia đình ông Lê Văn Bình có cuộc sống ổn định. |
Kể từ năm 1997, nghề săn chuột đồng bắt đầu nở rộ ở làng quê thuộc xã Phú Thanh, huyện Tân Phú, Đồng Nai. Lúc bấy giờ, không chấp nhận cánh đồng lúa bị tàn phá bởi chuột, nhiều nông dân tìm cách đặt bẫy để diệt trừ.
“Ngày đó cánh đồng lúa mấy chục ha của xã bị chuột cắn phá, thiệt hại khủng khiếp. Nhiều hộ dân dùng thuốc để diệt nhưng cũng không xuể. Có nhà kéo điện ra đồng làm bẫy nhưng rồi chuột vẫn hoành hành. Các bẫy điện sau đó người dân phải bỏ vì địa phương xảy ra vụ tai nạn chết người”, thợ săn chuột Lê Văn Bình kể lại.
Theo ông Bình, cánh đồng lúa của xã Phú Thanh được bao bọc bởi đồi núi và các vùng đất hoang ngập cỏ dại nên chuột sinh sôi nhiều. Việc bắt chuột ban đầu chỉ đơn thuần trừ hại nhưng về sau, lượng chuột săn bắt được nhiều và có người đặt mua để chế biến món ăn nên ở làng hình thành nghề với nhiều nhóm cùng tham gia.
Mỗi ngày, thợ săn chuột đồng mang từ 200-250 bẫy nhỏ đến các cánh đồng lúa bắt chuột. |
Dù nhiều nhóm hoạt động nhưng phương pháp hành nghề của các thợ săn đều giống nhau. Để bắt chuột, các thợ săn chế tạo bẫy lồng hình chữ nhật có một cửa được đóng chặt bởi lò xo. Những bẫy này nhỏ gọn, dùng đặt dọc theo đường đi của chuột.
“Trong bẫy không có mồi mà chỉ trương cánh cửa lên. Khi chuột đi vào, đạp lên lẫy thì lo xo sẽ kéo cửa sập lại. Mỗi bẫy có thể bắt được 1-2 chuột”, ông Bình cho biết.
Mỗi ngày, một thợ săn đặt 200-250 bẫy nên có thể bắt được từ 10-15kg chuột đồng. Vào mùa mưa, mùa lúa chín, chuột sinh sôi, nảy nở nhiều nên người đi săn có thể bắt lên đến 20-30kg/ngày.
Chuột đồng được các quán nhậu, người dân mua chế biến món ăn. |
Ông Lê Văn Bình là thợ săn với trên 20 năm kinh nghiệm và là thủ lĩnh của nhóm 5 người. Theo ông, công việc bắt đầu từ 9h sáng với khâu đặt bẫy và đến 4-5h sáng hôm sau thì “thu hoạch”.
Thợ săn gần 50 tuổi thổ lộ: “Sau thời gian đặt và thu bẫy, chúng tôi lại trở về làm ruộng, chăn nuôi hoặc làm những việc khác để kiếm sống. Nghề bẫy chuột có thể xem là phụ nhưng nguồn thu nhập lại là chính”. Cũng theo ông Bình, suốt 20 năm hành nghề, nhóm của ông đã đi đến khắp các cánh đồng ở Đồng Nai và sang cả Bình Thuận, Bình Phước, Lâm Đồng để săn chuột.
Xẻ thịt chuột bán cho khách hàng. |
Nghề săn chuột đồng giúp nhiều gia đình có nguồn thu nhập khá cao, giúp họ có cuộc sống tốt hơn. Ông Lương Hoàng Minh (48 tuổi) chia sẻ, ông bén duyên với nghề được 20 năm và đều đặn, mỗi tháng có nguồn thu nhập từ 10-15 triệu đồng.
Nhờ nghề này mà ông đảm bảo được kinh phí cho 3 con ăn học và có thể xây căn nhà khang trang để ở. Theo thợ săn này, nghề bắt chuột giờ đây trở thành đam mê và ông chưa từng nghĩ đến việc từ bỏ.
Đi khắp nơi để săn chuột và sẵn sàng đạp chân lên những bụi rậm, vùng hoang vắng nên thợ săn nhiều lần đối diện hiểm nguy. Vừa bắt chuột ra khỏi bẫy để cho vào lồng lớn, “dũng sĩ” Lê Văn Tâm vừa thổ lộ: “Nghe qua thì nhiều người nghĩ nghề này ngon ăn nhưng cũng vất vả và nguy hiểm lắm. Mấy năm trước, tôi đang đi thu bẫy ở bờ ruộng lúa thì bị con rắn hổ mèo nằm trên mô rạ phun nọc độc vào mắt. Hôm đấy tôi ngã xuống ruộng và các anh em trong nhóm phải chở đến bệnh viện cấp cứu. Phải mất nửa tháng nằm viện mới bình phục”.
Chuột được dùng chế biến các món nướng, xào sả ớt... và là món ăn ngon đối với nhiều người. |
Nghề săn chuột đồng hình thành hơn 20 năm nên ở xã Phú Thanh cũng đã xuất hiện những thương lái chuyên thu mua chuột. Ở địa phương cũng xuất hiện sự liên kết gữa thợ săn và các quán ăn, nhà hàng trong vùng, thậm chí cả TP.HCM. Do vậy, người đi săn không phải bận tâm về vấn đề đầu ra cho chuột đồng.
“Cứ có hàng là người ta đến lấy liền. Trước giờ chưa lần nào ế hàng. Khách mua chuột sống thì chúng tôi bán sống, khách muốn mua chuột đã xẻ thịt thì chúng tôi xẻ thịt”, ông Lương Hoàng Minh cho biết. Cũng theo ông này, những khách hàng ngoài liên kết muốn mua thịt chuột thì phải gọi điện đặt hàng trước.
Theo thợ săn, giá chuột sống đang được các thương lái, quán nhậu, nhà hàng thua mua với giá 40.000-60.000 đồng/kg. Chuột xẻ thịt thì giá khoảng 70.000 đồng/kg.