Những ngày cận Tết Nguyên đán, trên các cánh đồng trồng kiệu ở huyện Thăng Bình, người dân vẫn đang tất bật thu hoạch kiệu để nhập cho thương lái đem đi tiêu thụ ở khắp các vùng miền. Không khí hối hả, rộn ràng là những gì có thể nhìn thấy được khi đến các cánh đồng trồng kiệu.
Các cánh đồng trồng kiệu ở Quảng Nam đang trong thời điểm thu hoạch bán tết. |
Theo người dân trồng kiệu tại đây, thông thường vụ kiệu tết sẽ bắt đầu xuống giống từ tháng 7 âm lịch. Sau 5 tháng kiệu sẽ cho thu hoạch. So với những năm trước thì năm nay thời tiết có phần bất lợi, đặc biệt tình hình khô hạn kéo dài nhiều tháng đã ảnh hưởng đến sự phát triển của cây kiệu, khiến năng suất giảm sút.
Ông Trần Bích (60 tuổi, thôn 2, trú xã Bình Giang, huyện Thăng Bình) cho biết, tháng 7 âm lịch vừa qua, gia đình ông bỏ ra gần 20 triệu đồng để xuống giống 6 sào kiệu. Năm nay, củ kiệu thu hoạch nhỏ hơn mọi năm nên sản lượng mỗi sào tương đối thấp.
Theo ông Bích, với cây kiệu các năm trước đây sau 2 tháng xuống giống sẽ bắt đầu bón phân. Cộng với thời tiết mưa nhỏ sẽ làm cho phân tan ra để cây kiệu hấp thụ, phát triển. Mặc dù vậy, vụ năm nay trời nắng hạn, đến tháng 10 âm lịch mới có mưa nên bón phân trễ hơn 1 tháng.
Người dân tất bật thu hoạch kiệu để kịp bán cho thương lái đem đi tiêu thụ. |
“Cùng với đó, sau khi bón phân thì lại xuất hiện nhiều trận mưa lớn làm phân bị trôi mất, kiệu không hấp thu được, phát triển chậm. Tính ra, năm nay năng suất kiệu của gia đình tôi chỉ đạt 200 - 250kg/sào (giảm 50kg/sào so với các năm trước)”, ông Bích nói.
Mặc dù năng suất kiệu giảm nhưng bù lại giá kiệu năm nay được thương lái thu mua cao hơn các năm trước. Được biết, hiện nay kiệu tết tại huyện Thăng Bình đang được thu mua với mức giá dao động từ 30.000 – 35.0000 đồng, cao hơn năm trước từ 5.000 – 7.000 đồng nên người nông dân vẫn có lãi. Tính trung bình, sau khi trừ tất cả các chi phí thì mỗi sào kiệu tại đây người trồng lãi khoảng trên 2 triệu đồng.
Năm nay thời tiết không thuận lợi nên củ kiệu nhỏ, năng suất giảm. |
Bà Nguyễn Thị Nhỏ (56 tuổi, trú huyện Thăng Bình) cho biết hơn 9 sào kiệu nhà mình năm nay tuy năng suất không bằng năm ngoái nhưng giá thu mua cao nên gia đình bà cũng lãi được gần 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, kiệu cũng bán rất chạy, có bao nhiêu thương lái mua bấy nhiều nên người dân trong vùng rất phấn khởi, không phải lo lắng về vấn đề đầu ra.
Theo một thương lái thu mua kiệu tại huyện Thăng Bình, thời điểm đầu tháng Chạp họ bắt đầu thu mua kiệu, sau khi thu về sẽ phân loại kiệu lớn nhỏ khác nhau tùy theo sở thích ăn của từng miền. Ngoài thị trường tiêu thụ ở các chợ trong tỉnh thì kiệu sẽ được chuyển đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Tây Nguyên...